Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, thắt chặt chi tiêu công như hiện nay, việc tìm và đa dạng hóa nguồn vốn cho các công trình giao thông càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Tp.HCM: Huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông | ảnh 1

Vẫn là thiếu vốn và giải tỏa chậm

Theo báo cáo của Sở GTVT Tp.HCM, trong năm nay, thành phố sẽ xây mới thêm 1 triệu m2 đường, khởi công nhiều cây cầu, trong đó đặc biệt tập trung hoàn thiện các trục giao thông hướng tâm, khai thông các tuyến cửa ngõ. Cụ thể, ở cửa ngõ đông bắc sẽ khởi công Dự án cầu Sài Gòn 2 vào tháng 4 này. Đây là một trong những dự án huy động vốn tư nhân, do Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 22 tháng. Một dự án đóng vai trò chiến lược là tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) cũng sẽ khởi công hạng mục chính trong năm nay. Thực tế, dự án này đã khởi công hạng mục phụ (depot bảo dưỡng, tường rào bảo vệ) từ năm 2008, song do vướng mặt bằng nên vẫn chưa thể tiến hành xây dựng hạng mục chính. Tuyến metro này được kỳ vọng tạo cú hích cho giao thông công cộng Tp.HCM, dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2014-2020. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung vốn thi công và hoàn thành các công trình trọng điểm như liên tỉnh lộ 25B, cầu Rạch Chiếc trên xa lộ Hà Nội, mở rộng tỉnh lộ 10 và xây dựng tỉnh lộ 10B, đường Bến Vân Đồn, đường Nguyễn Thị Thập, cầu Suối Cái, cầu Rạch Tra, cầu kinh Thanh Đa, cầu Đỏ... Hai trục cửa ngõ là xa lộ Hà Nội và đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài cũng dự kiến đưa vào sử dụng một phần. Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công đường cao tốc liên vùng phía Nam, mở rộng quốc lộ 50 và đường nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường nối Tân Tạo - Chợ Đệm (của đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương)...

Thực tế cho thấy Tp.HCM có rất nhiều công trình giao thông quan trọng cần phải thực hiện đầu tư một cách nhanh chóng để giải quyết vấn đề dân sinh. Song thiếu vốn đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm là hai nguyên nhân tồn tại kéo dài của ngành giao thông Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho biết, năm 2012, tình hình kinh tế xã hội thành phố và cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức nên ngành GTVT cũng không ngoại lệ, tiếp tục đối mặt với không ít trắc trở, đặc biệt là tình trạng thiếu vốn đầu tư, thậm chí sẽ có nhiều công trình, dự án tiếp tục tạm dừng hoặc phải giãn tiến độ. Trong bối cảnh khó khăn này, thành phố vẫn tiếp tục tập trung đầu tư vào công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước hoàn thiện theo quy hoạch và đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị hiện hữu. Và điều quan trọng hơn để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn là cần đa dạng hóa phương thức đầu tư nhằm thu hút và dễ dàng kêu gọi, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài ra, cần ưu tiên và tập trung đủ vốn cho các dự án trọng điểm như là đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Gỡ những nút thắt

Đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, suốt thời gian dài qua, Tp.HCM luôn là địa phương đi đầu của cả nước trong việc kêu gọi đầu tư cũng như quan tâm tìm kiếm đa dạng nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng. Chủ trương này vẫn tiếp tục được quan tâm khi mà trong giai đoạn 5-10 năm tới thành phố dự kiến triển khai thêm hơn 40 dự án cơ sở hạ tầng theo phương thức BT với tổng mức đầu tư hơn 85.880 tỷ đồng và 6.100 triệu USD; 10 dự án BT kết hợp BOT với tổng mức đầu tư 78.542 tỷ đồng và 620 triệu USD.

Ngoài ra, UBND Tp.HCM cũng đã ban hành danh mục dự án đầu tư theo hai hình thức BOT và BT. Trong số này có thể nhắc đến các dự án tiêu biểu như xây dựng đường vành đai phía Đông từ chân cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc; xây dựng đường trên cao nối từ nút giao thông khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ; nút giao thông khu A Nam Sài Gòn. Riêng dự án cầu Sài Gòn 2 do CII đầu tư theo hình thức BT đã sắp hoàn thành giai đoạn chuẩn bị và theo lịch trình sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 4 này. Mặt khác, trong điều kiện vốn còn hạn chế, ngành giao thông càng phải tiết kiệm, sử dụng vốn thật hiệu quả. Trước khi đầu tư dự án phải đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, cấp thiết, dự án nào cần thì đầu tư trước, chưa cần thì làm sau, không nên rót vốn tràn lan, dàn trải.

Giải pháp cho công tác giải tỏa mặt bằng, theo lãnh đạo Sở GTVT Tp.HCM, cần phải phân định rõ trách nhiệm của UBND các quận, huyện theo hướng nếu địa phương nào để xảy ra chậm trễ, lãnh đạo quận, huyện đó sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tp.HCM. Sự ràng buộc trách nhiệm này sẽ là đòn bẩy xoay chuyển tình trạng ì ạch lâu nay, buộc các lãnh đạo địa phương phải đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa. Hoặc với các dự án giải phóng mặt bằng lớn thì nên chia nhỏ dự án thành nhiều giai đoạn để bớt áp lực vốn đầu tư mà vẫn đảm bảo tiến độ công trình.

(Theo VEN)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME