Cao ốc liên tục mọc lên

Ngay tại trung tâm quận 1, khu vực ngã tư Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tòa nhà Saigon Centre thứ hai cao không kém tòa nhà Saigon Centre thứ nhất đang được khẩn trương xây dựng. Xe chở người, chở vật liệu ra vào công trường tấp nập. Chủ đầu tư xây dựng công trình đã phải thuê cả bảo vệ làm nhiệm vụ điều tiết xe ra vào công trường để không ảnh hưởng xấu tới giao thông khu vực.

Tp.HCM: Hệ thống giao thông "đua" không kịp cao ốc | ảnh 1
Cao ốc khu trung tâm càng nhiều, mật độ lưu thông càng cao.

Cách đó không xa, góc giao lộ Hàm Nghi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng có một cao ốc của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đang được xây dựng đến tầng thứ 7. Tại một góc giao lộ khác: Trương Định-Nguyễn Đình Chiểu, cao ốc của C-T Group đang được đào móng. Gần ngay đó, một cao ốc khác của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đang dần được hình thành…

Các cơ quan chức năng lẫn chủ đầu tư xây dựng nhiều cao ốc ở khu trung tâm Tp.HCM đều có những lý giải khá giống nhau về sự xuất hiện ngày một nhiều của các cao ốc trong khu vực này. Ông Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quy hoạch khu trung tâm của Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM nhận định, đa phần các cao ốc đã được cấp phép xây dựng và đã đến lúc chủ đầu tư phải triển khai xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đi ngược lại quy định này, rất có thể chủ đầu tư sẽ bị rút giấy phép xây dựng. Ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cũng có ý kiến tương tự và cho biết thêm, nhiều tháng trước đây, khi biết khu vực trung tâm Tp.HCM có đến hơn 100 cao ốc đã được cấp phép xây dựng, không ít chuyên gia về quản lý đô thị đã đề nghị giãn tiến độ xây dựng các cao ốc này vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông. Tuy nhiên, khuyến cáo của các chuyên gia đã không được quan tâm đúng mức vì điều này trái với luật định về đầu tư.

Đồng suy nghĩ với các nhà quản lý, nhưng các chủ đầu tư có cách nói theo kiểu của… doanh nghiệp. Chủ đầu tư một cao ốc đang được xây dựng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (xin được giấu tên) cho biết, doanh nghiệp đang ở thế “leo lên lưng cọp”. “Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian và chi phí cho việc xin cấp phép xây dựng cao ốc ở khu trung tâm nên không thể bỏ công trình” – vị này cho biết. Hiện các doanh nghiệp chỉ biết hy vọng khoảng 2-3 năm nữa, khi công trình xây dựng xong, tình hình kinh tế khá hơn, thị trường địa ốc khởi sắc…

Tất nhiên, cũng có vài cách giải thích khác. Một chuyên gia của Sở Xây dựng nhận xét, chủ đầu tư các cao ốc trong khu vực trung tâm, bao gồm cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thường là những ông chủ có tiềm lực kinh tế. Khó khăn của nền kinh tế, sự đóng băng của thị trường địa ốc không dễ làm họ gục ngã.

Và nỗi lo cho giao thông

Thế nhưng, bất luận với lý do gì, việc các cao ốc ở khu trung tâm được xây dựng ngày một nhiều cũng đang gây ra nhiều nỗi lo cho giao thông cả trong hiện tại và tương lai.

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi, một trong những trục đường lớn của Tp.HCM, song nhiều lúc cũng không chịu nổi mật độ dày đặc của các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô dừng đậu hoặc ra vào các cao ốc nằm dọc hai bên đường. Khu vực tọa lạc của cao ốc Sacombank nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi là một điển hình.

Cao ốc này có hầm đậu xe, nhưng dường như đưa xe vào hầm vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian nên nhiều chủ xe đã lách luật bằng cách đậu xe hàng tiếng đồng hồ ngay trên đường nhưng lại bấm đèn báo hiệu như chỉ tạm thời dừng xe trong thời gian ngắn. Là một trong những trục đường lớn của thành phố nhưng mỗi hướng giao thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi cũng chỉ có 3 làn xe. Hai làn ô tô ngoài cùng và một làn dành cho xe 2 bánh. Một chiếc ô tô dừng, đậu bên đường đã làm thu hẹp diện tích đường dành giao thông và gần như bít hoàn toàn làn giao thông của xe gắn máy. Nhiều thời điểm, nơi đây đã bị ùn, ứ cục bộ.

Hiện tại đáng lo ngại như thế, trong tương lai gần (3-4 năm tới) cũng chưa thấy hướng giải quyết hiệu quả. Quy hoạch chi tiết 1/2.000 xây dựng khu trung tâm hiện hữu mở rộng của Tp.HCM đang được Sở Quy hoạch Kiến trúc trình lãnh đạo thành phố xem xét, phê duyệt có tính khá đầy đủ các giải pháp tổ chức giao thông trong tình huống khu trung tâm của thành phố “xuất hiện” thêm hàng trăm cao ốc.

Như việc nối dài một số trục đường, đặc biệt là trục đường Lê Lợi từ Nhà hát thành phố, qua khu Ba Son để hình thành đại lộ Lê Lợi, đồng thời với việc xây dựng một tuyến đường ngầm dưới đường Lê Lợi nhằm tăng năng lực giao thông cho khu trung tâm. Xây dựng ga metro ở ngay gần chợ Bến Thành để kết nối trực tiếp đến 4 hướng phát triển chủ lực của thành phố. Thế nhưng, tất cả các điều kiện giao thông nói trên lại chưa được triển khai đồng bộ với việc hình thành các cao ốc.

Hiện nay, mới chỉ có tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được khởi công xây dựng và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2017, gần khớp với thời gian hoàn tất của nhiều cao ốc đang được khởi công xây dựng ở trung tâm thành phố. Đa số các dự án giao thông còn lại vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư với thời gian thực hiện thường kéo dài nhiều năm.


(Theo SGGP)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME