Tp.HCM: Gỡ khó cho người dân tại 2 dự án treo hơn 10 năm
Tại khu Nam Sài Gòn, hai dự án treo hơn 10 năm khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi không được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Người dân có đất nông nghiệp trồng lúa tại dự án Khu đại học Hưng Long (huyện Bình Chánh) và Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) được đề xuất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, được xây dựng và được bồi thường. Diện tích đất trồng lúa tại 2 dự án này lên đến hơn 1.800ha.
Sau 10 năm, bồi thường được hơn 3%
Ban quản lý (BQL) Khu Nam mới đây đã kiến nghị UBND Tp.HCM tháo gỡ khó khăn cho người dân tại hai dự án Khu đại học Hưng Long và Khu đô thị Hiệp Phước. Văn bản nêu: "Đề xuất UBND thành phố cho phép người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích là đất trồng lúa được chuyển đổi sang đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác (trừ đất trồng cây lâu năm do thổ nhưỡng không thích hợp)".
BQL Khu Nam cho biết, năm 2006, thành phố chấp thuận chủ trương cho đơn vị này lập quy hoạch dự án Khu đại học Hưng Long. Nhưng sau 12 năm, dự án vẫn chưa phê duyệt quy hoạch 1/2000, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa GPMB, khiến người dân có đất nằm trong dự án gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và sử dụng đất.
Đất trồng lúa tại hai dự án treo 10 năm được đề xuất cho chuyển mục đích, được xây dựng, được bồi thường. Ảnh: HTD |
Năm 2007, thành phố có quyết định thành lập ban chỉ đạo dự án Khu đô thị Hiệp Phước. Nhưng đến nay, đã hơn 10 năm, "diện tích bồi thường ít, chưa có dự án triển khai làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân có đất", BQL Khu Nam nhận xét. Theo báo cáo, tại dự án này, chủ đầu tư mới thỏa thuận được 43,17ha/1.345ha, chiếm 3,19%.
Tổng diện tích đất tại dự án Khu đại học Hưng Long khoảng 511ha. Theo bản đồ địa chính năm 2004, khu vực này có khoảng 294ha đất lúa, chiếm 57,5%. Diện tích dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước là hơn 3.911ha (trong đó, diện tích dự án Khu đô thị Hiệp Phước là 1.354ha). Theo bản đồ hiện trạng năm 2008, đất lúa tại đây chỉ còn dưới 100ha bởi chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường và người dân tự chuyển sang loại đất khác. |
Đất lúa được xây dựng, bồi thường
BQL Khu Nam đưa ra đề xuất trên nhằm giải quyết nhu cầu của người dân tại hai dự án này. BQL Khu Nam nêu: "Giải pháp này được các đơn vị phân tích là phù hợp thực tế, giúp sử dụng đất hiệu quả, cải thiện thu nhập người dân. Đồng thời giải quyết nhu cầu của người dân về xây dựng nhà kính, nhà lưới, nhà chòi trên đất nông nghiệp".
Nếu thành phố chấp nhận đề xuất trên, BQL Khu Nam đề nghị, kể từ ngày được chuyển mục đích sử dụng đất, trong 3 năm mà thực hiện thu hồi đất thì tiền bồi thường tính bằng giá đất trồng lúc đó cộng mức hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu sau 3 năm mới thu hồi đất thì tiền bồi thường ngoài số tiền như trên sẽ cộng thêm chi phí đầu tư vào đất và bồi thường với cây trồng, vật nuôi.
BQL Khu Nam cũng kiến nghị giao Sở Xây dựng ban hành quy định hướng dẫn các địa phương thực hiện việc cấp phép xây dựng cho các công trình phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các dự án này.
Khu đô thị mới Nam Sài Gòn: Chung "hoàn cảnh" Tại dự án Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, BQL Khu Nam thông tin thêm về hiện trạng các khu B, C, D thuộc quận 8 và huyện Bình Chánh. Cụ thể, khu B, C không còn đất trồng lúa; khu D đã có quyết định giao đất năm 1996. Đơn vị này kiến nghị: "Quyết định đã quá lâu nhưng chưa triển khai bồi thường khiến người dân bức xúc. Để giải quyết hài hòa quyền lợi người dân và chủ đầu tư, đề xuất xem xét cho người dân được chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản. UBND quận, huyện sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết". |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet