“Với những bất cập về chính sách tiền sử dụng đất hiện nay thì đa số người dân nghèo lãnh đủ” - bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM, phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu quốc hội Tp.HCM với UBND TP về tình hình kinh tế xã hội bốn tháng đầu năm. Vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu là hàng ngàn hồ sơ của người dân TP đang bị ách lại do tiền sử dụng đất quá cao.

Bán nhà để trả nợ chủ quyền nhà

Gia đình bà Tô Thị Sáu, số 1138 Hưng Phú, phường 7, quận 8 bấy lâu nay sinh sống trên mảnh đất gần 300 m2 do cha mẹ để lại. Đầu năm 2013, bà Sáu đi làm giấy chứng nhận, đến ngày hẹn lấy giấy mới tá hỏa vì số tiền sử dụng đất phải đóng lên tới gần 1,2 tỉ đồng. Do không có tiền nên bà Sáu được Chi cục Thuế quận 8 hướng dẫn ghi nợ để nhận giấy.

“Từ hồi nào đến giờ tôi sinh sống yên ổn trên mảnh đất này, nay chỉ muốn làm giấy tờ để yên tâm thôi. Có vài chục triệu đồng trong tay đã là giấc mơ với tôi, nói chi là tiền tỉ. Nay với số nợ này, biết tới đời nào tôi mới trả được ngoài cách phải bán nhà?” - bà Sáu hoang mang.
 

Làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất tại Chi cục thuế quận 5, Tp.HCM. Ảnh: HTD



Còn ông Nguyễn Văn Kiêm Răng, ngụ 667 Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8 được cấp giấy chứng nhận vào tháng 1-2011 với số tiền ghi nợ hơn 970 triệu đồng. Đầu năm 2013, chạy vạy khắp nơi mới lo đủ tiền, ông tới Chi cục Thuế quận 8 xin trả nợ thì không khỏi bàng hoàng vì số tiền phải trả lên đến gần 2 tỉ đồng cho việc hợp thức hóa hơn 430 m2 đất. Cán bộ thuế cho biết sở dĩ có số tiền này là do áp dụng quy định tại Quyết định 28/2012 của UBND TP về hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất ở.

Dù không phải số tiền quá lớn như hai trường hợp trên, bà Nguyễn Thị Lan ở 299 Phạm Thế Hiển, phường 7, quận 8 cũng rất lo lắng vì sợ số tiền ghi nợ của gia đình hơn 166 triệu đồng từ năm 2008 sẽ biến thành con số lớn hơn. Bà Lan cho biết số tiền nợ trước đây chưa có cách gì để trả được dù thời hạn ghi nợ sắp hết, nếu phải trả nhiều hơn thì bà không thể nào trả nổi.

Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội, bà Đào Thị Hương Lan còn dẫn chứng thêm trường hợp một hộ dân ở Cần Giờ chỉ nợ 4 triệu đồng nhưng đến nay vẫn không có tiền để trả.

Giảm hệ số K để giải quyết bức xúc cho dân

Theo bà Lan, Sở Tài chính đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các quận, huyện về những khó khăn, vướng mắc khi thu tiền sử dụng đất tại địa phương. Qua đó cho thấy vấn đề nóng nhất hiện nay là tính tiền sử dụng đất theo hệ số K. Cụ thể, Quyết định 28/2012 của UBND TP quy định hệ số K thấp nhất là 3,5 lần và cao nhất là 4,5 lần cho việc chuyển mục đích sử dụng phần diện tích đất vượt hạn mức. Hệ số quá cao này đã gây rất nhiều vướng mắc cho các quận, huyện khi thu tiền sử dụng đất.

“Những người có tiền thì đã làm giấy tờ xong hết trước thời điểm có Quyết định 28 (đóng theo bảng giá đất - PV). Tới thời điểm hiện nay, khi tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường thì đọng lại đa số là các hộ nghèo. Những hộ này tính theo bảng giá đất còn phải ghi nợ, nếu thêm hệ số K thì chỉ làm tình hình căng thẳng thêm” - bà Lan nói. Đây cũng là lý do phát sinh chuyện nhiều người dân xin hủy giấy chứng nhận mới và đề nghị địa phương trả lại giấy tờ cũ cho họ.

Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, ngày 16-5, UBND TP đã có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy về việc xin điều chỉnh Quyết định 28. Trong đó, đề xuất giảm hệ số K xuống còn từ 1,1 đến hai lần và không khống chế về phần diện tích vượt hạn mức. Hệ số K sẽ được áp dụng chung cho cả đối tượng xin công nhận và chuyển mục đích (không phân biệt như Quyết định số 28) và được điều chỉnh theo từng khu vực. Riêng huyện Cần Giờ có hệ số K thấp nhất là 1,1.

Ngay trong buổi chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Thành ủy đã có văn bản chấp thuận đề xuất của UBND TP theo hướng xử lý như trên. Với những trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất theo Quyết định 28 và đã được cấp giấy chứng nhận thì không áp dụng hồi tố. Còn trường hợp người dân đã lập xong thủ tục nộp tiền sử dụng đất, đã được cấp giấy nhưng còn ghi nợ tiền sử dụng đất và trường hợp người dân mới nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nộp thì Cục Thuế TP hướng dẫn UBND các quận, huyện hủy hồ sơ ban đầu, tính lại theo mức thu mới.
 

Theo thống kê sơ bộ, số lượng hồ sơ đã nộp tiền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận từ khi có Quyết định 28 đến nay là 11.606 hồ sơ với tổng số tiền thu về là 525 tỉ đồng. Số ghi nợ tiền sử dụng đất là 3.367 trường hợp với số tiền nợ là 1.268 tỉ đồng. Số lượng hồ sơ mà người dân còn băn khoăn chưa biết sẽ đóng tiền sử dụng đất hay ghi nợ là 2.361 hồ sơ. Có tới 322 trường hợp xin trả lại giấy chứng nhận.

Hệ số K vừa được điều chỉnh

Khu vực1: Hệ số K bằng 2 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận.

Khu vực 2: hệ số K bằng 1,5 gồm quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú.

Khu vực 3: hệ số K bằng 1,3 gồm: huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.

Khu vực 4: hệ số K bằng 1,1: huyện Cần Giờ.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME