Tp.HCM: Dự án bờ hữu sông Sài Gòn, lùng nhùng tái định cư
Vừa qua, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Tp.HCM đã kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện Dự án bờ hữu sông Sài Gòn tại địa bàn huyện huyện Củ Chi. Vấn đề cần giải quyết ngay để dự án được tiếp tục triển khai là chuyện GPMB và TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Chậm bàn giao mặt bằng
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Củ Chi cho biết, công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn từ tỉnh lộ 8 đến Rạch Tra, có diện tích thu hồi đất 41,2ha, diện tích mượn tạm để làm kênh dẫn dòng và bãi tập kết vật liệu thi công 11,5ha. Tổng số 895 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ giải tỏa trắng đủ điều kiện bố trí TĐC. Đến nay, tổng cộng số hộ đã nhận tiền trực tiếp và gửi tiền vào ngân hàng là 885/895 với số tiền 67,2 tỷ đồng, tương đương với diện tích thu hồi 560.747m².Ông Bùi Thế Hải, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (Sở NN-PTNT Tp.HCM - chủ đầu tư dự án), cho biết, công trình dự án đoạn đi qua huyện Củ Chi có 42km đê bao, gồm 9 gói thầu xây lắp và 3 gói thầu thiết bị, tổng mức đầu tư 371 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, do hiện còn vướng giải tỏa một số hộ dân, nhất là các hộ thuộc diện giải tỏa trắng nên tiến độ dự án gặp rất nhiều khó khăn.
2 phương án đẩy nhanh tiến độ
Để tạo điều kiện TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa trắng tự lo nơi ở mới, Ban BTGPMB huyện Củ Chi đã nhiều lần thương thảo với các hộ dân. Kết quả, có 6 hộ dân đồng ý nhận tiền hỗ trợ 20% giá trị bồi thường về đất ở để tự lo nơi ở mới (nhưng người dân yêu cầu phải giải quyết ngay mới đồng thuận), các hộ còn lại đề nghị được giải quyết TĐC tập trung.Về vấn đề này, UBND huyện Củ Chi đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP và Hội đồng thẩm định bồi thường TP xem xét giải quyết. Đến ngày 25/4/2011, Hội đồng thẩm định bồi thường TP có công văn số 365/HĐTĐBT-ĐKKTĐ kiến nghị UBND TP như sau: Trong trường hợp trên địa bàn huyện Củ Chi không có nền đất ở đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng (nếu có nhưng không thể mua được do không phù hợp nhu cầu) để bố trí TĐC cho người dân, trước mắt đề nghị UBND huyện Củ Chi và Sở NN-PTNT phối hợp tìm quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để xem xét, nếu phù hợp thì giải quyết cho các đối tượng đủ điều kiện TĐC (không còn chỗ ở nào khác) thuê đất để xây dựng nhà ở sớm ổn định cuộc sống.
Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho rằng, vấn đề huyện tìm kiếm nền đất ở đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để bố trí TĐC cho người dân là rất khó. Bởi lẽ, hiện nay trên địa bàn huyện không có nền đất TĐC nào hoàn chỉnh hạ tầng để mua lại bố trí cho người dân. Chưa kể, với đặc thù địa bàn có diện tích đất rộng nên người dân vốn quen sống độc lập chứ không muốn vào ở các khu chung cư nên việc này càng khó hơn. Còn về đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý trên địa bàn huyện không còn. “Do đó, nếu cứ triển khai theo quy trình như hiện nay, 5 năm nữa mới giải quyết xong việc bố trí TĐC cho các hộ dân nằm trong dự án này. Như vậy, tiến độ dự án sẽ chậm và địa phương là nơi lãnh đủ”- ông Tấn nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tấn kiến nghị: UBND TP cho phép UBND huyện mua đất riêng lẻ trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch và khi đã mua được đất, TP cho huyện sử dụng số tiền chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của các hộ chưa chịu nhận đang gửi ngân hàng để trả tiền mua đất. Thứ hai, UBND TP cho phép người dân bị giải tỏa tự mua đất để ở và Nhà nước trả tiền. Đồng quan điểm này, ông Trần Công Lý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tp.HCM chia sẻ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND TP sớm xem xét cho thực hiện theo 2 phương án mà UBND huyện Củ Chi đã nêu.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND Tp.HCM nhấn mạnh: “Dự án bờ hữu sông Sài Gòn là dự án có quy mô lớn kéo dài qua nhiều quận, huyện với số hộ dân bị ảnh hưởng giải tỏa rất nhiều. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Củ Chi đã có hơn 1.000 hồ sơ. Dẫu biết rằng, công tác GPMB và bố trí TĐC cho người dân là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thực hiện việc giám sát tiến độ thực hiện dự án đến nay, chuyện GPMB và TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn hết sức “lùng nhùng”.
Ông Đông cho rằng, việc TĐC cho người dân bị ảnh hưởng của dự án chỉ có chính quyền địa phương mới đưa ra giải pháp hợp lý nhất vì hiểu rõ dân cần gì và muốn gì. Ông cũng đồng ý với kiến nghị của UBND huyện Củ Chi. HĐND TP sẽ có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét giải quyết sớm để dự án đảm bảo tiến độ.
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet