TP HCM: Đổi đất lấy tiền xây nhà tái định cư
Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 6-2008, những vụ sạt lở nhà đất ven sông kênh rạch tại Nhà Bè, Bình Thạnh đã xảy ra, dù không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về vật chất không hề nhỏ. Một lần nữa vấn đề giải toả nhà lụp xụp ven sông kênh rạch trên địa bàn thành phố lại trở nên bức xúc.
Nhà lụp xụp trên kênh rạch ở quận 8.
Đổi đất...
Chương trình chỉnh trang đô thị của quận 8 xác định trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, tức là trong vòng 12 năm tới sẽ phải giải tỏa 26.500 căn nhà, trong đó 10.500 căn nhà ven kênh rạch, còn lại là nhà lụp xụp. Toàn bộ kế hoạch này sẽ được triển khai theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay đến 2010 giải tỏa 2.600 căn nhà trên các con rạch Ụ Cây và bờ đông rạch Xóm Củi. Giai đoạn tiếp theo từ 2010-2012 tiếp tục giải tỏa 2.500 căn nhà nằm ven những tuyến kênh Đôi, kênh Ông Lớn, kênh Tàu Hũ…
Trong giai đoạn từ 2012-2015, đến lượt 5.500 căn nhà dọc bờ nam Kênh Đôi, bờ Tây rạch Xóm Củi được giải tỏa, đồng thời trong thời kỳ này quận 8 xác định phải xóa bằng được 16.000 căn nhà nằm trong 26 khu nhà lụp xụp không nằm ven kênh nhưng rải rác trên địa bàn quận.
Định hướng của UBND quận 8 là chậm nhất đến năm 2020 sẽ chuyển tất cả những khu nhà lụp xụp ấy thành cụm các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại theo tiêu chí văn minh-hiện đại.
Một lãnh đạo UBND quận 8 cho biết việc giải tỏa được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, trong đó quận chuẩn bị sẵn một số lượng nhà nhất định ban đầu dùng để tái định cư, những khu vực giải tỏa đầu tiên sẽ được đưa về định cư tại đây, dành đất để chủ đầu tư dự án tiến hành giải tỏa lấy mặt bằng xây dựng các khu tái định cư mới. Những khu tái định cư mới lại được dùng phục vụ tái định cư cho người dân ở khu vực giải tỏa tiếp theo, và cứ thế.
Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch này được chính quyền quận 8 phác thảo như sau: dùng đất dự án và một số khu đất quy hoạch xây dựng công trình công ích, công viên cây xanh trên địa bàn quận theo phương thức đổi đất lấy tiền đầu tư.
Với phương cách này, quận 8 khẳng định sẽ không phải “làm phiền” nhiều cho vốn ngân sách thành phố, thay vào đó quận chỉ xin một số vốn ngân sách đối ứng trước để xây dựng quỹ nhà tái định cư ban đầu. Khoản ngân sách ban đầu này sẽ được thu hồi, hoàn trả lại cho ngân sách thành phố sau khi có doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào chính các khu này.
Những lấn cấn
Kế hoạch này không phải không có điểm lấn cấn. Bởi vì trong các cuộc họp góp ý với quận 8, nhiều doanh nghiệp địa ốc cho rằng trong điều kiện nguồn vốn bị thắt chặt như hiện nay, kêu gọi xã hội hóa nhà tái định cư sẽ không dễ dàng, đặc biệt khi mà vốn ban đầu phải bỏ ra để bồi thường giải tỏa mặt bằng quá lớn, dự trù quận 8 cần ít nhất 5.000 căn nhà tái định cư ban đầu trước khi bắt tay vào giải tỏa người dân, lấy mặt bằng xây dựng các khu tiếp theo.
Cái khó thứ hai là với giá mỗi căn nhà tái định cư rộng 50-60m2 trị giá trên dưới 500 triệu đồng, người nghèo sẽ không có đủ tiền để mua, ngay cả khi Nhà nước cho trả góp thì tính ra mức góp hàng tháng cũng gần 10 triệu đồng - một khoản chi phí quá sức chịu đựng của diện dân nghèo sống ven sông rạch vốn dĩ không có khoản bồi thường từ tiền đất mà chỉ được bồi thường kiến trúc căn nhà.
Trên thực tế, nhà ven sông rạch hầu hết đều là nhà gỗ vách tôn và những căn nhà như thế mức bồi thường cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng/căn.
Bài toán hóc búa thứ ba liên quan đến hậu tái định cư và giải quyết việc làm cho người lao động bị giải tỏa. Người dân sống ven kênh rạch tại TPHCM nói chung và quận 8 nói riêng đa phần đều là người buôn gánh bán bưng và trình độ học vấn thấp.
Chỉ riêng kế hoạch nói trên của quận 8 cũng đã “dôi dư” ra tròm trèm 50.000 lao động bình dân như thế. Về vấn đề này, Chính quyền quận 8 cho biết sẽ nghiên cứu và có phương án giải quyết việc làm cho số dân này ngay sau khi dự án tái định cư được thành phố phê duyệt
Theo Sài Gòn Giải Phóng
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet