Tp.HCM: Đề nghị gia hạn thời gian cho tuyến metro số 2
Mới đây, UBND Tp.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề cập đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Trong văn bản này, UBND Tp.HCM cho biết vào giữa tháng 8 vừa qua đã có công văn đề nghị Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2020.
Tp.HCM cho rằng trước đó đã có tổng hợp ý kiến thống nhất của các nhà tài trợ và phân tích sự cần thiết của việc gia hạn nói trên.
Cụ thể, việc Thủ tướng xem xét và quyết định việc gia hạn sẽ làm cơ sở để gia hạn các hiệp định vay, từ đó có thể thực hiện một số hạng mục công việc, gói thầu của dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ.
Tp.HCM nhấn mạnh, sẽ trả toàn bộ phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn. Riêng với các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ chi trả bằng nguồn vốn đối ứng của dự án.
Đồng thời, Tp.HCM sẽ không dùng khoản vay của ngân hàng ADB để giải phóng mặt bằng, nguồn tiền cho việc này được lấy từ ngân sách thành phố.
Trước đó, tại buổi làm việc với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, Ngân hàng ADB khuyến nghị rằng việc gia hạn phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trước ngày 30/9/2017.
Nếu thực hiện đúng tiến độ, tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành vào năm 2017. (Hình minh họa: Tuyến metro số 1 đoạn qua quận Thủ Đức) |
Ngân hàng này cũng cho biết đã thảo luận với các nhà đồng tài trợ cho tuyến metro là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) về việc bổ sung vốn cho dự án.
Được biết, tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Ban đầu có 3 nhà tài trợ gồm: KfW cam kết 313 triệu USD, ADB cam kết 540 triệu USD và EIB cam kết 195 triệu USD. Nhưng đến nay dự toán cho dự án đã tăng thành 2,1 tỷ USD. Về nguyên nhân, Giám đốc Sở giao thông vận tải Bùi Xuân Cường lý giải, tuyến có bổ sung thêm khối lượng công việc như tăng kích thước nhà ga và mở thêm các tuyến kết nối và trượt giá.
Bên cạnh việc tăng vốn, tuyến đường này còn đang đối mặt với khó khăn khác khi các bộ ngành liên quan đang có những quan điểm khác nhau.
Cụ thể các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là dự án chuyển tiếp nên thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án điều chỉnh thuộc TP (chỉ cần báo cáo Thủ tướng).
Trong khi đó, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính lại cho rằng đây không phải dự án chuyển tiếp, vì vậy Tp.HCM buộc phải báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án.
Theo tính toán ban đầu, tuyến metro này được khởi công vào năm 2012 và hoàn thành vào năm 2017.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet