Dở dang nhiều dự án

Những năm qua, Tp.HCM đã liên tục thực hiện hàng loạt dự án giao thông nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc xa lộ Hà Nội. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và liên tỉnh lộ 25B. Cả hai dự án đều do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) làm chủ đầu tư. Ở dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, tùy thiết kế của từng đoạn (từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Tân Vạn dài 17,5km) mà trục chính con đường được mở rộng thành 8 - 12 làn xe so với 4 - 6 làn xe hiện hữu.

CII cho biết, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được chia làm 3 đoạn, gồm đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc; từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức và từ ngã tư Thủ Đức đến nút giao thông Tân Vạn. Hiện nay cơ bản hoàn thành việc mở rộng mặt đường trục chính đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Thủ Đức. Riêng đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến nút giao thông Tân Vạn dài 7km, đang vướng việc giải phóng mặt bằng.

Tp.HCM: Đầu tư hạ tầng giao thông phải đa dạng hóa nhiều hình thức | ảnh 1
Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân kiểm tra tiến độ thi công cầu Rạch Chiếc.

Mặc dù xa lộ Hà Nội được mở rộng tuy nhiên tình trạng giao thông ở khu vực này vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu vì chưa được kết nối với tuyến vành đai 2. Theo thiết kế đường vành đai 2 bao gồm các dự án: đoạn từ nút giao thông Tân Tạo (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh), dự án nối từ cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội và đường nối từ xa lộ Hà Nội ra quốc lộ 1A… Nếu tuyến đường trên được thông suốt đến nút giao thông Gò Dưa rồi kết nối vào đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại các khu vực có tuyến này đi qua.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn còn ngắt quãng, chưa thể kết nối liên hoàn. Theo Sở GTVT, đoạn từ quốc lộ 1A - Nguyễn Văn Linh đã giao cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đoạn từ liên tỉnh lộ 25B - nút giao thông Gò Dưa được chia làm các đoạn nhỏ, gồm: liên tỉnh lộ 25B - cầu Rạch Chiếc 2, cầu Rạch Chiếc 2 - nút giao thông Bình Thái, nút giao thông Bình Thái - ngã ba Linh Đông, ngã ba Linh Đông - nút giao thông Gò Dưa.

Như vậy, khi tuyến đường vành đai 2 hoàn thành, các phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh hướng đi không phải vào trung tâm TP, tình trạng kẹt xe sẽ giảm.

Huy động nhiều hình thức đầu tư

Để thực hiện được những công việc trên, Sở GTVT nhanh chóng hoàn thành đường Vành đai 2, tập trung đầu tư các dự án hướng tâm như quốc lộ 13, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 50, tỉnh lộ 10A, 10B trong năm nay. Bên cạnh các dự án trên, Sở GTVT sẽ nghiên cứu dự án mở rộng đường Lương Định Của (từ đường Trần Não đến đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây), mở rộng đường chui dưới cầu Sài Gòn và nối thẳng vào đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2).

Theo Phòng Quản lý Xây dựng Công trình giao thông đường bộ - Sở GTVT, trong năm 2012 sẽ triển khai dự án đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Rạch Chiếc mới, liên tỉnh lộ 25B, cầu Rạch Tra, tỉnh lộ 9, cầu đường Bình Tiên, cầu Sài Gòn 2… Tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách siết chặt, làm thế nào để có nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng để triển khai các công trình trên?

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, ngoài các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, TP cũng chú trọng các dự án sử dụng hình thức BT, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong năm nay ngân sách TP sẽ chi phần tiền giải phóng mặt bằng của 4km đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua quận 2, 9 và góp 1.000 tỷ đồng giải phóng mặt bằng cho dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50.

Một thực trạng khiến cho nhiều dự án thi công kiểu cầm chừng hoặc làm theo kiểu “da beo” là do khâu giải phóng mặt bằng. “Hiện nay, các nút giao thông nào nếu tiền giải phóng mặt bằng nhiều quá thì chia dự án làm nhiều giai đoạn. Cụ thể như dự án nút giao thông Thủ Đức, Sở GTVT đang nghiên cứu làm cầu vượt bằng kết cấu thép để xe tải nhẹ và xe 2 bánh lưu thông trong khi chờ đầu tư hoàn chỉnh như thiết kế” - ông Bùi Xuân Cường cho biết.

Theo quy hoạch phát triển GTVT Tp.HCM đến năm 2020 của Thủ tướng, Tp.HCM có 4 đường vành đai 1, 2, 3, 4. Tuy nhiên hiện đường Vành đai 1 đã thành đường đô thị, chỉ còn lại đường Vành đai 2, 3, 4. Hiện Tp.HCM đang nỗ lực đầu tư khép kín đường Vành đai 2, còn đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4 mới được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vào tháng 9/2011. Đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh - TP, gồm: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng chiều dài tuyến đường này khoảng 89,3km, rộng 6 - 8 làn xe, vốn đầu tư khoảng 55.805 tỷ đồng. Riêng đường Vành đai 4 đi qua 5 tỉnh - TP, gồm: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến đường 197,6km, rộng 6 - 8 làn xe, tổng vốn đầu tư 98.537 tỷ đồng.

(Theo SGGP)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME