Tp.HCM: Chưa thể xây mới chung cư xuống cấp
Hiện nay, tại chung cư Cô Giang (quận 1, Tp.HCM) còn hơn 200 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án. UBND quận 1 khẳng định sẽ giúp dân ổn định chỗ ở.
Chung cư Cô Giang được xây dựng từ năm 1968 gồm bốn lô A, B, C, D với tổng số 750 hộ dân. Năm 2006, nhằm chỉnh trang đô thị, UBND Tp.HCM đã có chủ trương đầu tư xây dựng lại chung cư này. Đến năm 2007, TP đã chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Phát triển Đất Việt (liên doanh giữa Công ty TNHH Thủ đô Đất Việt và Vinacapital) làm chủ đầu tư dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại tại đây. Sau ba năm kể từ khi UBND quận 1 chính thức chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, có hơn 70% hộ dân đã ký thỏa thuận di dời. Số hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng vì chưa đồng ý với phương án bồi thường.
Dân muốn thương lượng trực tiếp
Theo UBND quận 1, tính đến thời điểm này có 621/884 (hơn 70%) hộ dân di dời khỏi chung cư Cô Giang (trong đó có 48 hộ xung quanh chung cư). Đa số nhận tiền để tự lo nơi ở mới (474 hộ), còn đăng ký tái định cư tại chỗ là 135 hộ. Các hộ nhận suất tái định cư đang được hỗ trợ tiền tạm cư cho đến lúc dự án hoàn thiện và bàn giao nhà cho các hộ vào ở. Hơn 200 hộ còn lại chưa bàn giao mặt bằng, đa phần do chưa bằng lòng với giá bồi thường.
Theo kết quả kiểm định từ năm 2005 thì chất lượng chung cư Cô Giang
chỉ còn lại 50%, có thể sụp đổ bất cứ khi nào.
Bà Huỳnh Thị Kim Khuyên (căn 103, lô C) cho biết: Theo Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp thì các hộ dân không có nhu cầu tái định cư tại chỗ được phép bán căn hộ cho chủ đầu tư theo giá thỏa thuận. Tuy nhiên, với Quyết định 18/2012 bổ sung phương án bồi thường ở chung cư Cô Giang, UBND quận 1 có lưu ý: “Trường hợp không thỏa thuận được với chủ đầu tư thì áp dụng theo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án này”.
Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Kiều Loan (căn 423, lô A) và nhiều hộ khác phản ánh họ chưa nhận được thông báo của phía chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển Đất Việt để thỏa thuận giá cả.
Mong sớm nhận nhà
“Đến tháng 8 tới, gia đình tôi đã thuê nhà tạm cư được tròn hai năm ở quận 8. Khoản tiền hỗ trợ 5 triệu đồng một tháng (tiêu chuẩn hỗ trợ dành cho hộ gia đình dưới bốn nhân khẩu) cũng đủ để cho gia đình tôi trang trải tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mọi sinh hoạt thì không thể nào bằng ở ngay trong nhà mình được. Gia đình tôi mong dự án sớm được xây dựng để chúng tôi sớm trở về. Việc tạm cư kéo dài cũng khiến chúng tôi không thoải mái, chẳng thể tính toán làm ăn gì cả” - bà Nguyễn Thị Huyền Châu (trước ở lô A, chung cư Cô Giang) đã cho biết vậy.
Nhiều người chọn phương án tái định cư tại chỗ trong dự án xây dựng lại chung cư Cô Giang cũng có chung mong ước này. Các hộ đều mong chủ đầu tư và chính quyền tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Đất Việt, cho hay: Năm 2013, Công ty Đất Việt phối hợp với quận và các sở, ngành liên quan đã tổ chức công bố thiết kế căn hộ tái định cư được duyệt tại văn phòng dự án số 85 Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1. “Đây vẫn là nơi cung cấp toàn bộ thông tin về dự án và chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của quận tiếp xúc với người dân trong dự án theo từng trường hợp cụ thể nếu người dân có nhu cầu” - ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, công ty đã vận dụng nhiều kênh để thương lượng với người dân như đến từng nhà hoặc sử dụng danh sách của các phường, quận chuyển qua để liên hệ thỏa thuận. Trước đây, công ty có gửi thông báo và xuống văn phòng dự án tiếp xúc với người dân. Song có một số khó khăn trong tiếp xúc, thỏa thuận. Tới đây, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận và các ban ngành có liên quan để tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Có nguy cơ sụp đổ Dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang được xây dựng với quy mô 1,4 ha gồm 30 tầng với 1.092 căn hộ, trong đó có gần 300 căn phục vụ cho tái định cư tại chỗ của các hộ dân chung cư Cô Giang. Tổng chi phí bồi thường được phê duyệt là 1.587 tỉ đồng. Năm 2008, UBND quận 1 đã lên phương án bồi thường, tái định cư cho dự án. Do có một số vấn đề liên quan đến thủ tục nên đến năm 2011 phương án này mới chính thức được phê duyệt để quận tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân. UBND quận 1 đã tiến hành niêm yết thông báo về phương án để người dân nắm. Năm 2011, do tình trạng xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ sụp đổ (đã từng xảy ra vụ sập tay vịn cầu thang tại chung cư Cô Giang), UBND TP đã chỉ đạo UBND quận 1 di dời khẩn cấp 200 hộ dân ra khỏi chung cư để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1: Tạo điều kiện cho dân di dời Kết quả kiểm định từ năm 2005 cho thấy chất lượng công trình chỉ còn lại 50%. Hiện chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sụp đổ bất cứ khi nào, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của bà con. Vì vậy việc di dời để xây dựng lại là cấp bách. Trong hơn 200 hộ chưa di dời thì có nhiều hộ đồng tình với chính sách của dự án nhưng họ chưa sắp xếp được công việc gia đình (như chưa tìm được nơi ở mới, chờ con cái nghỉ hè xong) nên chưa bàn giao nhà. Đối với các hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, quận sẽ tiếp tục vận động, thuyết phục bà con bàn giao để sớm thực hiện dự án. Về những thắc mắc của người dân xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 34: Đối với những trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, người dân được phép bán nhà cho chủ đầu tư. Cũng theo tinh thần Nghị quyết 34, người dân sẽ được miễn các loại thuế có liên quan đến việc mua bán căn hộ cũng như thuế thu nhập cá nhân (nếu có). Trong trường hợp người dân vẫn không đồng thuận thì quận sẽ áp dụng chính sách của dự án là nhà mới đổi nhà cũ trên nguyên tắc đồng diện tích. Tại chung cư Cô Giang, nhiều căn hộ 12 m2 và 24 m2 chưa đủ diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định cũng được đổi ngang căn hộ mới 30 m2. Các hộ này cũng sẽ được nhận tiền tạm cư như các hộ đã đồng tình và di dời đi trước đó. Nghị quyết 34 khuyến khích chủ đầu tư và người dân thỏa thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Điều này không có nghĩa là quy định chủ đầu tư phải thỏa thuận xong với tất cả hộ dân trong dự án thì mới tháo dỡ chung cư để thực hiện dự án. Trường hợp quận và chủ đầu tư đã thực hiện hết khả năng mà người dân vẫn không chịu bàn giao mặt bằng thì quận phải áp dụng chính sách nhà mới đổi nhà cũ để hoàn tất dự án. Không thể để 135 hộ dân nhận suất tái định cư đã di dời phải chờ đợi và tạm cư kéo dài vô thời hạn. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet