Chống ngập đường, lại ngập nhà

Tp.HCM: Chống ngập đường lại ngập nhà | ảnh 1
Nền của một quán cơm trên đường Kha Vạn Cân thấp hơn mặt đường gần 1m.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn Tp.HCM được đầu tư nâng cấp tôn cao là do bị ngập nước, mỗi khi trời mưa là đường biến thành sông, gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, lâu nay Tp.HCM không có quy hoạch cốt nền xây dựng khoa học, do những thay đổi về địa chất, thủy văn và địa hình, cao độ chuẩn cho nền đường đã trở nên lạc hậu, trong khi nền nhà dân được xây dựng căn cứ cao độ mặt đường, nên lập tức trở nên không đồng bộ khi nền đường được tôn cao.

Như đã phản ánh, đường Nơ Trang Long (phường 13, quận Bình Thạnh) thường xuyên ngập nước khi mưa, khiến ùn tắc giao thông trầm trọng. Để chống ngập, đoạn đường này được nâng cấp tôn cao đến gần 1m, khiến nền nhà dân hai bên nằm thấp hơn 0,6m. Quan sát tại công trường đang nâng cấp đường Nơ Trang Long, có thể thấy các miệng hố ga cao gần 1m so với nền nhà dân. Tại những đoạn đã làm xong vỉa hè, nền nhà hai bên bị lọt thỏm xuống. Do mặt đường quá cao nên nhiều nhà ở đây phải nâng nền, khiến chiều cao trần của tầng trệt chỉ còn chừng 2m.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, chủ cửa hàng điện tử HTC tại đây than: “Mặt đường nâng cao nên nền nhà thấp hơn đến 0,8m. Chỉ một cơn mưa nhỏ là nước ngoài đường đã tuôn ngược vào nhà. Ban ngày còn tát nước, chứ ban đêm hễ trời mưa là trong nhà thành hồ nước. Đành phải nâng nền nhà, trần nhà thấp như trần tầng hầm cũng đành chịu, tiền đâu để đập xây dựng lại cả ngôi nhà”.

Đồng cảnh với các nhà dân, Trường Mầm non 13 và trụ sở UBND phường 13 trên đường Nơ Trang Long cũng bị ngập nước sau khi nâng đường. Cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non 13, lo lắng: “Chúng tôi đang phải nâng nền cổng lên cao để cho nước ngoài đường khỏi chảy ngược vào. Tuần trước, trời mưa lớn, sân trường ngập nước nhiều ngày, phải nhờ công nhân thông cống nước mới rút hết. Thấy cảnh trường lớp ngập mất vệ sinh, nhiều phụ huynh đã cho con nghỉ ở nhà do sợ nhiễm bệnh tay chân miệng. E khi đường xây xong vẫn tiếp diễn cảnh ngập thế này thì khổ cho bọn trẻ”.

Được biết, Trường Mầm non 13 còn có cơ sở tại 447 Nơ Trang Long, cũng phải chịu cảnh ngập nước thường xuyên. Đường nâng cấp từ lâu nhưng nước từ cống chảy ngược vào trong sân và nhà vệ sinh của trường. Chỉ cần ngưng máy bơm chừng 10 phút là nước từ trong cống chảy ngược vào phòng vệ sinh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Vỉa hè gần ngang trần nhà

Có nơi, sau khi nâng cấp, mặt đường còn cao gần ngang trần nhà. Tại đường Kha Vạn Cân (Linh Đông, Thủ Đức), mặt đường được nâng lên hơn một năm nay nhưng vẫn còn hàng chục căn nhà có trần chỉ cao hơn mặt đường chừng 1m, thậm chí có nhà trần còn thấp hơn mặt đường. Trời mưa là phải chịu cảnh nước ngoài đường tuôn vào nhà. Chị Thương, chủ quán cơm 513 Kha Vạn Cân, bức xúc: “Hễ trời mưa là không thể nào buôn bán được nữa. Ngập nước nên quán cơm ế ẩm”. Chỉ vào căn nhà 479B có treo bảng cho thuê nhà nguyên căn, chị Hằng, bán nước bên đường, cho hay: “Trước đây, căn nhà này được cho thuê 10 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi nâng mặt đường, nền nhà thấp hơn mặt đường gần 1m, không kinh doanh được gì, nên chẳng ai mướn”.

Mới đây, hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa được nâng cấp, nhưng nhiều nhà mặt tiền phải chịu trận cảnh mặt đường cao gần bằng trần nhà. Khi trời mưa, những nhà trong hẻm phải lội nước để vào đến nhà. Ông Tâm, có nhà trên đường Hoàng Sa, kể: “Nhà tôi mới xây chỉ gần 2 năm, bây giờ phải chịu cảnh mặt đường cao gần đến trần tầng trệt, mất thẩm mỹ, sinh hoạt hay kinh doanh đều rất khó khăn”. Bức xúc với việc thiếu quy hoạch cốt nền xây dựng gây ra nhiều hệ lụy, nhiều người dân bất bình: Tại sao khi dân xin cấp phép xây nhà, chính quyền địa phương không báo cho người dân biết mặt đường sẽ được nâng lên cao, khiến xảy ra tình cảnh nhà thấp hơn đường thế này?

Những cư dân ở đường Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí (quận 6), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… cũng đang phải sống trong tình cảnh nền nhà thấp, nước ngoài đường chảy vào gây ngập mỗi khi trời mưa, mà không biết làm sao. Trước thực tế đó, Tp.HCM cần nghiên cứu cao độ chuẩn về xây dựng, phù hợp với diễn biến mực nước biển dâng lên và nền đô thị đang bị lún dần xuống một cách tự nhiên.

Trên cơ sở đó có tầm nhìn dài  hạn nâng nền đô thị hiện hữu lên cao độ mới, có dự báo biến động địa chất thủy văn, xây dựng các đập ngăn triều và hồ chứa để điều tiết nước. Tránh tình trạng nâng nền đường và nền nhà từng khu vực để tránh ngập như là một giải pháp tình thế mà cũng không rõ dựa vào cơ sở nào. Hạn chế quy mô xây dựng và độ cao công trình các vùng trũng, ngập úng, đồng thời nạo vét, khơi dòng kênh rạch để khắc phục tình trạng ngập úng nước mưa và nước sinh hoạt.

(Theo SGGP)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME