Sự phức tạp không chỉ thể hiện ở số người vi phạm, mức độ thiệt hại mà còn là sự cấu kết của một số cán bộ có chức, có quyền với những thủ đoạn hết sức tinh vi.

Tháng 7/2011, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới dự án đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông. Đối tượng Nguyễn Sỹ Quyết, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Kinh Đô cùng đồng bọn đã dùng hợp đồng ký kết đầu tư mua và bán đất (là hợp đồng không có thật) tại dự án đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông, Hà Nội do Công ty CP Đầu tư XNK tổng hợp Hà Nội làm chủ đầu tư, để bán cho nhiều người rồi chiếm đoạt 63 tỷ đồng.

Trước đó, đơn vị này cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt và khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Hiếu, 50 tuổi và Nguyễn Thị Minh Ngọc, 49 tuổi, trú tại Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn đi mua đất nông nghiệp của người lao động rồi tạo dựng dự án không có thật, hai đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt 188 tỷ đồng.

Có thể nói, tội phạm liên quan đến đất đai đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Qua điều tra, khảo sát, Cục CSĐT tội phạm  tham nhũng - Bộ Công an đã rút ra được một số nhóm thủ đoạn chính của loại tội phạm này: Trong đó, đáng chú ý là các đối tượng lợi dụng sơ hở của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho dân để an sinh xã hội, đặc biệt là những dự án xây dựng nhà ở cho người nghèo, công nhân viên chức có thu nhập thấp ở các thành phố lớn hay tình trạng tái định cư cho nhân dân khi đất ở của họ nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa, một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn làm sai lệch hồ sơ, hay lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù hoặc nhận đất tái định cư.

Tình hình tội phạm liên quan đến đất đai ngày càng "nóng" | ảnh 1
Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp cũng bị kẻ xấu lợi dụng để khai khống nhằm trục lợi (ảnh minh họa).



Trong việc đăng ký, quản lý các thửa đất, diện tích đất công, đất không ai đăng ký thường được cán bộ địa chính xã, huyện bỏ trống tên hoặc ghi bằng bút chì, sau đó khi có sự chỉ đạo hoặc chủ trương của cấp trên thì điền tên đối tượng khác, hợp thức hóa để hưởng lợi; việc thống kê diện tích đất công không được thực hiện đầy đủ, bỏ ngoài sổ sách để chiếm đoạt; quá trình quản lý đất đai không có phương án, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến việc cấp đất, giao đất tùy tiện, không đúng đối tượng, không đúng quy định và quy hoạch; các đối tượng được cấp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích, các cơ quan quản lý không kiểm tra dẫn đến các đối tượng chuyển nhượng, thu lợi bất chính.

Các đối tượng cũng lợi dụng chính sách giao đất, giao trồng rừng mới, phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính phủ. Đây là thủ đoạn mà một số cán bộ có chức, có quyền tại các địa phương có diện tích trồng rừng lớn đã cấu kết với các đối tượng ngoài xã hội, thông qua các công ty tư nhân để tiến hành chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, tài sản, lợi ích của Nhà nước và nhân dân…

Khi tấc đất ngày càng khẳng định giá trị là tấc vàng, rõ ràng những sai phạm về đất đai cũng ngày càng nhiều hơn. Song, việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền lại chậm và ít ỏi. Báo cáo gần đây của UBND TP Hà Nội cho thấy, qua công tác thanh tra, kiểm tra, Hà Nội đã xác định được 56 tổ chức vi phạm Luật Đất đai (trong số 102 tổ chức bị thanh tra). Các vi phạm phổ biến là để hoang hóa, chuyển nhượng trái phép, quản lý đất chưa tốt để người dân lấn chiếm...

Bước đầu, thành phố mới chỉ ra quyết định thu hồi đất của 7 dự án. Còn theo thống kê của Cục CSĐT tội phạm tham nhũng - Bộ Công an (từ năm 2000 đến 2010), trên toàn quốc  đã có 3.008 đối tượng bị khởi tố vì liên quan đến đất đai; trong số này có 1.334 cán bộ các cấp có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trong tổng số những vụ án liên quan đến đất đai đã khởi tố, các cơ quan chức năng chỉ xử lý một phần nhỏ.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, tội phạm tham nhũng về đất đai sẽ ngày càng phức tạp, bởi các đối tượng sẽ lợi dụng triệt để những chính sách về phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện những hành vi phạm tội tinh vi hơn. Để đấu tranh và phòng ngừa với tội phạm tham nhũng liên quan đến đất đai có hiệu quả, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc xử lý nghiêm khắc tất cả những đối tượng sai phạm là việc làm rất cần thiết. Trên cơ sở đó, thu hồi những diện tích đất bị sử dụng, chuyển nhượng trái phép để đưa vào sử dụng đúng mục đích, góp phần vào sự phát triển chung của từng địa phương.

(Theo CAND)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME