Tin vui: 1.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng CSXH
Theo thông tin từ Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), ngoài 500 tỷ đồng do Chính phủ bố trí, ngân hàng CSXH sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa cho chương trình vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm.
Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018 tại Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 370/QĐ-TTg. Đây là tin vui đã được dư luận mong chờ từ rất lâu, do đó người dân cũng đặc biệt quan tâm việc Ngân hàng Chính sách Xã hội đang triển khai thực hiện đến đâu.
Để người dân có thêm thông tin, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội xung quanh vấn đề này.
- Chính phủ vừa chính thức ban hành quy định về lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vậy phía Ngân hàng Chính sách Xã hội đã bắt đầu triển khai chương trình này chưa, thưa ông?
Hiện tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đang chính thức triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội. Từ cách đây 1-2 năm, chúng tôi đã thực hiện tập huấn cho chương trình này rồi.
Tại các chi nhánh của Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện cũng đã có chỉ tiêu vốn cụ thể. Theo đó vốn sẽ được phân bổ theo nhu cầu tại từng địa phương. Cụ thể, trong năm nay, hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và Tp.HCM sẽ được xét cho vay 50 tỷ đồng mỗi địa phương, Hải Phòng là 10 tỷ đồng, Bắc Giang là 30 tỷ đồng, Lai Châu là 10 tỷ đồng, Thanh Hoá 30 tỷ đồng…
Dự kiến Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ có 1.000 tỷ đồng trong gói vay ưu đãi mua nhà
ở xã hội lãi suất 4,8%/năm. Trong ảnh: Một góc khu chung cư nhà ở xã hội Hòa Lợi, thị
xã Bến Cát. Ảnh: Quách Lắm/TTXVN
- Như vậy chương trình này có tổng nguồn vốn cho vay là bao nhiêu, thưa ông?
Trong năm 2018, nguồn vốn do Chính phủ bố trí là 500 tỷ đồng, lãi suất cho vay theo chương trình là 4,8%/năm. Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa, nâng tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội trong năm nay dự kiến lên khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu tổng hợp nhanh từ các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tại các địa phương cho thấy, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện cao hơn nhiều vốn bố trí, lên tới 5.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt thì từ nay đến năm 2020, sẽ có thêm 1.163 tỷ đồng do Chính phủ bố trí cho chương trình này, ngoài ra Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ huy động thêm số vốn tương đương con số này. Như vậy ngoài 1.000 tỷ đồng trong năm nay, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng trên 2.300 tỷ đồng vốn cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
- Theo ông mức lãi suất quy định mà Chính phủ vừa công bố có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không?
Nếu để lãi suất thấp quá sẽ phải bù lỗ nhiều và làm giảm số người được vay. Nhưng nếu lãi suất cao quá thì người vay cũng khó trả. Theo nguyên tắc mà Chính phủ đặt ra thì lãi suất cho vay nhà ở xã hội tối đa sẽ không vượt quá 50% lãi suất của các tổ chức cho vay cùng loại.
Ngoài ra hiện nay các ngân hàng thương mại có cho vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Nhà nước cho phép cũng đang áp dụng mức lãi suất 5%/năm. Trên cơ sở này, phía Ngân hàng Chính sách Xã hội thiết kế, đề xuất với các bộ ngành liên quan đề xuất lên Chính phủ mức lãi suất cho vay ưu đãi trong chương trình này là 4,8%/năm. Theo tôi, trong năm nay, đây là mức lãi suất vừa phải.
- Theo quy định tại chương trình cho vay này thì người vay mua nhà ở xã hội sẽ phải tham gia gửi tiết kiệm, vậy họ sẽ tham gia vào thời điểm nào, thưa ông?
Liên quan đến vấn đề này, có 2 phương án được chúng tôi đặt ra. Phương án thứ nhất là triển khai nhận tiền gửi tiết kiệm trước, sau đó mới cho vay. Phương án này có điểm chưa khả thi khi chưa biết nguồn vốn như thế nào nên sẽ xảy ra trường hợp người dân gửi tiết kiệm nhưng lại không được vay. Trong tương lai, sản phẩm này sẽ được ban hành.
Với phương án thứ hai, chỉ sau khi có chỉ tiêu vốn và người vay được xét duyệt thì mới bắt đầu tham gia gửi tiết kiệm, thời gian tối thiểu là 12 tháng. Để đảm bảo điều kiện đầu vào, trong 1 năm đầu gửi tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ ân hạn không thu nợ.
Bên cạnh đó, để không xảy ra thất thoát, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm được quy định bằng lãi suất cho vay.
- Khi triển khai chương trình này, Ngân hàng Chính sách Xã hội có lường trước những khó khăn có thể xảy ra không, thưa ông?
Theo tôi khó khăn lớn nhất là nguồn vốn ít trong khi nhu cầu nhiều, điều này cũng sẽ khiến phát sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, do đã có 16 năm kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình cho vay đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách nên Ngân hàng Chính sách Xã hội có thể đối phó với những khó khăn phát sinh.
Với những hồ sơ được xét đủ điều kiện vay chúng tôi sẽ thực hiện giải ngân nếu nhu cầu vay ít hơn hoặc bằng nguồn vốn được phân bổ.
Nếu nhu cầu vay lớn hơn nguồn vốn thì chúng tôi sẽ chấm điểm theo tiêu chí, khi đó sẽ có những đối tượng thuộc diện ưu tiên hơn như người chưa có nhà, gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhân dân...
Còn nếu có nhiều trường hợp cùng điểm thì chúng tôi sẽ tổ chức bốc thăm khách quan, công khai để đảm bảo công bằng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet