Tìm giải pháp cho công tác quản lý quy hoạch đô thị
Việc quy hoạch, phát triển đô thị quá nhanh đã và đang khiến hạ tầng xã hội và quy mô dân số Hà Nội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng
Điều chỉnh quy hoạch “vô tội vạ”
Trong quá trình đô thị hóa, do những chính sách, công tác quản lý và sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, hiện nay, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, ngập lụt, ùn tắc giao thông,…
Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do điều chỉnh quy hoạch nhiều lần. Đồ án quy hoạch được lập và phê duyệt lần đầu bị phá vỡ hoàn toàn.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; các dự án được chấp thuận với sự đồng bộ về quy mô dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng cơ sở, nhưng sau đó lại được điều chỉnh nhiều lần về số tầng, mục đích sử dụng, từ cây xanh sang công trình hỗn hợp. Điều này khiến cho quy mô dân số tăng lên nhiều lần so với tính toán ban đầu, dẫn đến sự quá tải về nguồn nước, nguồn điện, hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, nhà trẻ, cây xanh.
Đơn cử như KĐT Linh Đàm, KĐT từng được coi là “thiên đường” của Thủ đô. Sau gần 20 năm, mô hình này đã để lại những bài học đắt giá về công tác quy hoạch và phát triển đô thị.
KĐT Linh Đàm được xây dựng từ năm 2007 và được công nhận là KĐT kiểu mẫu vào năm 2009. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, hạ tầng xã hội và dân số đã tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch đã biến KĐT này trở thành “thảm họa”. Khu đất được dự kiến xây dựng văn phòng của gần 20 năm về trước đến nay đã mọc hàng loạt các toà chung cư (VP3,VP5, VP6… ) và các khối nhà giá rẻ cao 30, 40 tầng (HH1, HH2, HH3…). Tổ hợp này sẽ bổ sung thêm khoảng 30.000 dân cho khu bán đảo Linh Đàm.
Hay như tại tuyến đường Lê Văn Lương, các tòa chung cư cao từ 25 đến 33 tầng mọc lên san sát, tạo điểm “chết” cho tuyến đường vành đai 3. Theo tính toán, chỉ khoảng 3-5 năm nữa, khu vực này sẽ có thêm hàng chục tòa nhà và hàng trăm nghìn hộ dân.
Những “bức tường” bê tông mọc lên san sát trên tuyến đường đường Lê Văn Lương
Tìm giải pháp cho công tác quản lý quy hoạch
Vấn đề quy hoạch mà Hà Nội phải đối mặt trong 5-10 năm tới là một thách thức lớn. Điều cấp thiết lúc này là cần có sự điều chỉnh và giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý về vấn đề quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.
Bàn về vấn đề này, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông Phạm Thanh Tùng cho biết, vấn đề bất cập là do khâu quản lý quy hoạch. Nhiều quy hoạch mới chỉ quan tâm đến lợi ích của nhà đầu tư mà bất chấp mật độ xây dựng hay các công trình công cộng. Chẳng hạn tại tuyến đường Lê Văn Lương, cứ 3 km lại có thêm 30, 40 tòa chung cư làm giao thông không kịp đáp ứng.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay có nhiều quy hoạch, nhưng quy hoạch “hỗn loạn”. Do đó, cần phải lập lại trật tự, xác định những gì cần thiết hơn. Cũng có nhiều quy hoạch được đưa ra nhưng không ai chịu trách nhiệm. Vì thế, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trước những bất cập này.
KTS. Phạm Thanh Tùng cũng chia sẻ: “Về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, cần có những quy định cụ thể để đảm bảo tính công khai minh bạch. Cùng với đó là việc tăng cường công tác thanh kiểm tra. Có như vậy mới hạn chế được việc điều chỉnh nhiều lần từ các dự án. Điều này cũng sẽ hạn chế việc thất thoát, tham ô tham nhũng trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch”.
Trong sắc diện mới của đô thị Hà Nội, thành phố sẽ còn còn hàng trăm những quy hoạch, dự án mọc lên trong tương lai. Điều này sẽ khiến hạ tầng xã hội ra sao? Đô thị Hà Nội có thể sẽ trở thành “gánh nặng” cho thế hệ sau, nếu công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch không được siết chặt ngay từ bây giờ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet