Thương mại điện tử làm chao đảo thị trường mặt bằng bán lẻ
Trong quý I năm nay, có tới 3 dự án trung tâm thương mại tuyên bố đóng cửa, 3 dự án chuyển đổi chức năng với nguồn cung giảm tổng cộng 39.200m2 sàn.
Không chỉ phải thu hẹp nguồn cung, thách thức với thị trường bán lẻ truyền thống còn nằm ở mức giá cho thuê khi đã giảm trung bình mỗi quý 1%. Các lĩnh vực đều bị tác động bởi công nghệ, thương mại điện tử, trong đó hành vi và thói quen tiêu dùng đang thay đổi.
Theo thông tin từ ông Liêu Hưng Tiến, GĐ kinh doanh Công ty Haravan, đối tác phát triển công nghệ của Facebook ở Việt Nam, nếu 10 năm trước sẽ rất khó hình dung người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam nhưng hiện tại, những trang bán hàng không biên giới cho phép người Việt giao dịch dễ dàng hơn rất nhiều. Đây cũng chính là thách thức của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cũng như những nhà bán lẻ đang hiện diện.
Ông Tiến nhận xét: "Người mua hàng hiện rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng, cộng với việc người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên đất nước thậm chí mua hàng ở các quốc gia khác, hàng cũng sẽ ship được đến tận nhà".
Savills cũng vừa công bố số liệu cho thấy, nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện vào khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn. Trong đó có 73.000 m2 sàn mới đến từ 3 siêu thị và 2 trung tâm mua sắm vừa khai trương trong quý I. Tuy vậy, cũng có tới 3 dự án tuyên bố đóng cửa và 3 dự án chuyển đổi chức năng, khiến nguồn cung giảm 39.200 m2 sàn.
Thay vì đến các cửa hàng truyền thống, người trẻ thường thích mua hàng online khiến
việc kinh doanh mặt bằng bán lẻ ngày càng khó khăn. Ảnh: Quang Định
Mới đây, để cơ cấu lại hiệu quả kinh doanh, Vissan cho biết đã phải đóng cửa hơn 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty này trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy những lợi thế cạnh tranh cả về địa lý hay giá cả của doanh nghiệp Việt đều suy giảm mạnh bởi các khách hàng giờ đây có thể tự tìm được nhà cung cấp giá tốt hoặc chất lượng rẻ hơn một cách dễ dàng nhờ các sàn thương mại điện tử.
Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến thương vụ thâu tóm Lazada của Tập đoàn Alibaba cách đây hơn 2 năm.
Được biết, trong kế hoạch mở rộng thị trường của Alibaba vào Đông Nam Á, nhà bán lẻ trực tuyến này đã có kế hoạch kho ngoại quan ở biên giới Lạng Sơn. Thậm chí CEO Lazada còn công bố họ bắt đầu mua được hàng hoá từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và cả… Trung Quốc.
Theo đó, trong tương lai gần, hàng hoá trên hệ sinh thái B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng), C2C (từ khách hàng đến khách hàng) của Alibaba như Taobao, 1688 sẽ được kết nối lên trang Lazada. Từ đây, các sản phẩm sẽ được phân phối đến người dân Việt Nam tại mọi miền và ngóc ngách của đất nước.
Ông Tiến cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường, tuy nhiên họ không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu nếu muốn làm thương mại điện tử. Trong khi đó, hiện có đến 60% dân số Việt Nam dùng internet, mỗi người onine trên mạng trung bình khoảng 25 giờ/tuần.
"Doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt Nam khi hàng hoá ngoại nhập vào theo con đường thương mại điện tử. Trong lúc các mối đe doạ và nguy cơ tiềm ẩn đang hành động rất nhanh, thì các doanh nghiệp Việt Nam đa phần chỉ mới dừng lại ở hành động hô hào, mà chưa có hành động thực tiễn. Đối thủ đã đến bên cửa...", ông Tiến cảnh báo.
Ngoài sụt giảm nhu cầu, công suất thuê trung bình cũng giảm nhẹ -1 điểm % dưới tác động của thương mại trực tuyến. Cụ thể, nguồn cung mới tại khu vực ngoài trung tâm đều có giá thuê và công suất thuê thấp. Các thương hiệu kém thu hút đang dần bị thay thế bởi các thương hiệu thời trang mới và thương hiệu F&B quốc tế.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thị trường một cách tích cực. Ranh giới giữa bán hàng truyền thống và thương mại điện tử sẽ dần được xóa bỏ bởi xu thế kinh doanh đa kênh (omni-channel). Đây cũng là lý do các doanh nghiệp cần phải phát triển nhiều biện pháp để khách hàng có thêm nhiều chọn lựa mua hàng.
Theo giám đốc kinh doanh một công ty thương mại điện tử, thực tế trong bối cảnh công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách thị trường như hiện nay, Omni-channel sẽ là giải pháp tối ưu hóa việc bán hàng trên từng kênh như website, mạng xã hội kết hợp kênh truyền thống. Omni-channel cũng sẽ giúp tăng trải nghiệm và trải nghiệm đồng nhất trên nhiều kênh cho khách hàng.
Vì thế dù không còn nhiều "quyền năng" như trước nhưng thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn sẽ sôi động.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet