Thực hư chuyện các ngân hàng giải ngân cho vay mua nhà dự án
Nhiều dự án nhà ở mời chào người mua được vay đến 70-80% nhờ có ngân hàng liên kết cho vay với lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, thông tin từ phía các ngân hàng cho thấy, tình hình cho vay mua BĐS tại các dự án không nhiều.
Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS chứng kiến việc nhiều DN trên địa bàn Tp.HCM mở bán các dự án khá rầm rộ với sự hỗ trợ vốn từ phía ngân hàng. Ví dụ, dự án căn hộ Âu Cơ (quận Tân Phú, Tp.HCM) của CTCP Đầu tư xây dựng công trình 557, dự án căn hộ Green Valley tại quận 7 của công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, dự án Ehome 3 Tây Sài Gòn của công ty BĐS Nam Long, Công ty địa ốc Hưng Thịnh vừa mở bán 200 căn hộ dự án 8X Thái An tọa lạc tại đường Phan Huy Ích, Q. Gò Vấp...
Theo báo cáo của Savills, quý I-2014, đã có 1.600 căn hộ được giao dịch trên cả nước, tăng tới 39% so với số lượng căn được giao dịch năm ngoái Nhưng theo Báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, riêng lượng tồn kho căn hộ của Tp.HCM hiện vẫn còn tới 12.613 căn (với tổng giá trị số vốn ước tính là 22.414,31 tỷ đồng), mặc dù đã “giải phóng” được 1.877 căn tính từ đầu năm 2013 đến tháng 5/2014.
Với phương thức liên kết cho vay này, các ngân hàng đang nỗ lực “đẩy vốn ra” nhằm tạo cơ hội sở hữu nhà cho những người thu nhập thấp và trung bình. Theo một lãnh đạo ngân hàng, khi cho vay mua căn hộ hiện nay ngân hàng chủ yếu cho giải ngân trực tiếp cho chủ đầu tư, hoặc cho vay giải ngân theo tiến độ dự án…
Cũng theo lãnh đạo ngân hàng này, hạn mức được giải ngân theo giá trị định giá tài sản đảm bảo của ngân hàng chứ không theo giá thị trường.
Tại ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank), việc cho vay sẽ theo các điều kiện như: đối với khách hàng có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng thì ngân hàng sẽ khống chế tỷ lệ nợ/thu nhâp tối đa là 40%, khách hàng có thu nhập từ trên 5-10 triệu đồng/tháng thì tỷ lệ này l à 50%, khách hàng có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng tỷ lệ này là 60%.
Một cán bộ tín dụng khách hàng cá nhân của ngân hàng VIB, cho biết ngân hàng chỉ cho vay đối với những khách hàng mua những dự án mà ngân hàng có liên kết, hạn chế cho vay các dự án không nằm trong mối liên kết và buộc phải có tài sản thế chấp tốt để giảm thiểu rủi ro. Nhưng khách hàng có nhu cầu vay mua BĐS gần đây vẫn rất chậm.
Ông Lê Hải Lâm, Phó tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết cho vay mua BĐS của ngân hàng không tăng nhiều dù ngân hàng liên kết với khá nhiều dự án BĐS để tăng giải ngân.
Hiện Vietcombank là ngân hàng lớn có nhiều liên kết với các dự án BĐS để hỗ trợ khách hàng. Theo ông Đào Hảo, Phó tổng giám đốc Vietcombank, trong số dư nợ tăng thêm của ngân hàng trong 5 tháng đầu năm nay là 3,63% thì dư nợ cho vay BĐS đối với người dân không tăng nhiều.
ACB cũng là một ngân hàng mạnh về cho vay cá nhân nhưng cũng nằm trong hoàn cảnh “chợ chiều” cho vay BĐS. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB, cho biết dù dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của ACB có tăng nhưng cho vay lĩnh vực BĐS lại rất ít.
Ông Nguyễn Thanh Toại nhận định thêm, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm như hiện nay, DN không mở rộng sản xuất kinh doanh được, hàng tồn kho còn lớn thì thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng mạnh. Khi lương của người lao động eo hẹp thì dù nhu cầu mua nhà là có nhưng khả năng trả nợ không cao nên họ cũng khó để vay tiền ngân hàng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet