Thực hiện nộp phạt vi phạm xây dựng tại Tp.HCM vẫn vướng
Để xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng, Nghị định 121 cho phép những công trình xây dựng sai phép, không phép nộp tiền phạt để tồn tại. Tuy nhiên, hơn chín tháng qua, từ khi Nghị định này có hiệu lực, tại Tp.HCM vẫn có rất ít trường hợp được giải quyết.
Công trình vi phạm nộp phạt để tồn tại
Nghị định 121 quy định, điều kiện để các công trình sai phép, không phép được nộp tiền thay vì buộc tháo dỡ là không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng công trình lân cận, không tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch được phép xây dựng. Số lợi bất hợp pháp được thu hồi là 40% giá trị phần sai phép, không phép đối với nhà ở riêng lẻ và 50% đối với dự án đầu tư. Điều kiện là vậy, nhưng gần một năm qua, các cơ quan chức năng tại Tp.HCM vẫn lúng túng chưa dám cho người dân nộp phạt vì phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng về cách tính tiền và thời điểm áp dụng.
Từ năm 2008, ông Nguyễn Văn T. mua đất và xây nhà trong một dự án tại quận 7. Sau khi xây xong, ông T. làm thủ tục hoàn công thì cơ quan chức năng cho biết, nhà ông xây dựng cao hơn nhà mẫu và UBND thành phố xử phạt, buộc tháo dỡ phần mái ở tầng trên cùng. Ông T chấp hành, tháo dỡ phần vi phạm để làm thủ tục hoàn công nhưng vẫn không được UBND quận 7 chấp nhận. Khi Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực, ông T tiếp tục làm đơn thì được quận 7 trả lời là chưa biết cách tính giá trị phần xây dựng sai phép vào thời điểm nào, năm 2008 (năm xây nhà) hay năm 2014 (năm phát hiện vi phạm), cho nên đề nghị ông tiếp tục chờ. Quận 7 đã có văn bản kiến nghị thành phố hướng xử lý đối với những trường hợp này.
Tương tự, khi tiến hành xây dựng một căn nhà tại phường 14, quận 10, ông N.Đ.L. đã xây quá diện tích so với giấy phép gần 5m2. Trong quá trình làm giấy phép hoàn công, ông bị UBND quận 10 ra quyết định buộc khắc phục hậu quả bằng biện pháp nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi từ hành vi vi phạm xây dựng theo quy định của Nghị định 121 với tổng số tiền 21,79 triệu đồng. Sau khi ông L. nộp tiền đúng quy định, Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 10 sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận cho công trình nêu trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, quận 10 đã thông báo ngừng cấp sổ để chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Hàng nghìn trường hợp xây dựng sai phép ở Tp.HCM vẫn chưa được nộp phạt để tồn tại. |
Quận 10 hiện có khoảng 100 trường hợp đề nghị được nộp tiền phạt để xin cấp giấy chứng nhận. Quận 1 cũng có hàng trăm trường hợp. Toàn thành phố hiện có hơn 1.200 trường hợp xây dựng sai mẫu nhà trong dự án, tập trung nhiều ở quận 7 và quận 2 (trong đó có khoảng 1.000 căn nhà ở Phú Mỹ Hưng). Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, hiện nay, hầu như các quận, huyện ở thành phố đều bị vướng hồ sơ nhà, đất liên quan việc tính 40% giá trị phần xây dựng trái phép.
Xử lý vi phạm xây dựng còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, Thông tư 02 năm 2014 của Bộ Xây dựng có hướng dẫn tính giá trị phần xây dựng trái phép cho từng loại công trình nhưng các địa phương vẫn không thể tính được vì cách tính chưa rõ ràng, công thức tính giá trị phần trái phép của nhà ở riêng lẻ quá rắc rối. Cụ thể, với công trình kinh doanh, theo hướng dẫn thì giá trị một m2 xây dựng trái phép bằng giá một m2 theo hợp đồng đã ký. Nhưng hợp đồng đã ký là hợp đồng nào (hợp đồng cho thuê ngắn hạn, dài hạn hay hợp đồng chuyển nhượng công trình)? Còn với công trình không kinh doanh, tính giá trị phần xây dựng trái phép theo dự toán được duyệt có bao gồm giá trị thi công, tư vấn hay chỉ giá thi công? Rồi số tiền nộp phạt có cộng luôn giá trị đất không? Đó là chưa kể cả Nghị định 121 lẫn Thông tư 02 đều không đề cập giá trị xây dựng để tính ra số tiền vi phạm căn cứ vào suất vốn đầu tư hay giá thị trường của căn nhà.
Hiện nay, Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể những thắc mắc nêu trên để giải quyết hồ sơ cho dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, việc cho phép nộp tiền để được công nhận một số công trình xây dựng sai phép, không phép (nằm trong điều kiện) là một chủ trương "mềm dẻo" vì người dân. Tuy nhiên, nếu thực hiện không nghiêm, không có những chế tài ràng buộc cụ thể thì rất "kẹt" cho xã hội. "Trong xây dựng có những tình huống mà đến lúc thi công mới phát hiện cần thay đổi thiết kế thì các công năng mới sử dụng được hợp lý, từ đó dẫn tới xây sai phép. Tuy nhiên, phải cho chủ đầu tư một khoảng thời gian để điều chỉnh giấy phép xây dựng mà không bị nộp phạt. Sau khoảng thời gian này, nếu chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện thì rõ ràng cố ý vi phạm, khi đó phải phạt nặng", giám đốc một công ty bất động sản đã đề nghị như vậy.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet