Thừa kế đất "cha truyền con nối" nhưng không kê khai: Đúng cũng thành sai?
Nhiều gia đình Việt có truyền thống sinh sống tiếp nối trên đất tổ tiên, mặc định ông cha để lại cho mình nên không cần khai nhận thừa kế. Tuy nhiên, với di sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu (nhà/đất) thì người thừa kế cần khai nhận để xác lập quyền tài sản của mình. Vậy "né" thủ tục này thì người thừa kế sẽ gặp bất lợi gì, có bị quy là vi phạm pháp luật không?
1. Không làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế có vi phạm pháp luật?
Để làm rõ vấn đề này, trước hết cần hiểu về khái niệm “khai nhận di sản thừa kế”. Hiểu một cách đơn giản, đây là thủ tục nhằm xác lập và bảo vệ quyền của người thừa kế đối với di sản mà họ được thừa hưởng. Người thừa kế ở đây là những đối tượng được nhắc đến trong di chúc hợp pháp (nếu có) của người đã khuất, hoặc những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật (trường hợp người mất không có di chúc).
Trên thực tế, pháp luật không có quy định cụ thể nào về việc người hưởng thừa kế bắt buộc phải khai nhận di sản. Điều đó có nghĩa, nếu người thừa kế không làm thủ tục khai nhận di sản do cha ông để lại thì họ cũng không vi phạm pháp luật.
2. Những bất lợi khi không khai nhận di sản thừa kế là nhà đất
Căn cứ Điều 168 Bộ Luật Dân sự 2005, việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm sang tên đổi chủ từ người chuyển nhượng sang cho người được chuyển nhượng (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Điều 188 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ, một trong những điều kiện để người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế… đó là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình (trường hợp được ủy quyền phải có hợp đồng ủy quyền hợp pháp).
Như vậy, dù không vi phạm pháp luật nhưng đối với di sản là nhà đất mà người thừa kế không làm thủ tục khai nhận, sang tên đổi chủ thì sẽ không thể xác lập quyền tài sản, tức là không được thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng ngôi nhà hay mảnh đất đó trong tương lai.
Việc khai nhận di sản thừa kế nhà, đất nhằm xác lập quyền tài sản của người thừa kế đối với bất động sản đó. Ảnh minh họa: Internet
3. Chi tiết thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Việc khai nhận di sản thừa kế là nhà đất phải được lập thành văn bản và cần được được công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý, trên cơ sở đó người thừa kế mới có thể xác lập quyền tài sản và thực hiện việc mua bán, cho tặng, cho thuê… đối với ngôi nhà, mảnh đất đó trong tương lai. Cụ thể, thủ tục khai nhận di sản thừa kế gồm 5 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Điều 58 Luật Công chứng nêu rõ để thực hiện công chứng khai nhận di sản thừa kế, người khai nhận cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ như:
- Văn bản yêu cầu công chứng, bản sao một số giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, ví dụ chứng minh thư nhân dân.
- Giấy tờ chứng minh người để lại di sản đã mất (ví dụ giấy chứng tử, giấy báo tử); một số giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có) của người đã mất để xác minh các quan hệ nhân thân.
- Bản sao di chúc (nếu thừa kế theo di chúc) hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người yêu cầu công chứng với người để lại di sản (trường hợp không có di chúc, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật).
- Các giấy tờ liên quan đến di sản nhà đất: Giấy chứng nhận quyền sở hữu, văn bản cho tặng/ thỏa thuận tài sản chung, riêng liên quan đến nhà đất đó...
- Dự thảo văn bản khai nhận di sản (trường hợp người yêu cầu công chứng tự soạn thảo từ trước).
- Hợp đồng ủy quyền (nếu có).
Bước 2: Công chứng văn bản khai nhận di sản
Người thừa kế đem nộp hồ sơ như trên tại tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên sẽ tiếp nhận và kiểm tra xem hồ sơ đã hợp lệ hay chưa, nếu đạt yêu cầu sẽ thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Nếu hồ sơ không đủ căn cứ để giải quyết, công chứng viên có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn bổ sung cho người dân.
Bước 3: Niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, văn phòng công chứng sẽ niêm yết công khai việc thụ lý văn bản khai nhận di sản này trong vòng 15 ngày. Nơi niêm yết là UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản thì tiến hành niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Ngoại lệ nếu việc khai nhận di sản thừa kế có nội dung phức tạp hoặc có liên quan tới khối tài sản lớn, thời hạn niêm yết có thể tăng lên đến 30 ngày.
Nội dung niêm yết phải ghi đầy đủ thông tin về họ tên người để lại di sản, họ tên người thừa kế, quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa hưởng di sản, danh mục di sản thừa kế…
Bước 4: Người thừa kế ký văn bản khai nhận di sản
Hết thời hạn niêm yết, nếu không có bất cứ khiếu kiện hay khiếu nại (có xác nhận của UBND cấp phường/xã), tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành giải quyết hồ sơ.
- Trường hợp người thừa kế đã soạn sẵn dự thảo văn bản khai nhận di sản, công chứng viên sẽ kiểm tra nội dung xem có đảm bảo đúng quy định pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục hay chưa…
- Trường hợp chưa có dự thảo văn bản khai nhận thừa kế có thể đề nghị công chứng viên soạn giúp. Sau khi soạn xong, người thừa kế cần xem kỹ các nội dung này, nếu đồng ý sẽ được hướng dẫn ký vào văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bước 5: Văn phòng công chứng ký nhận và trả kết quả
Công chứng viên sẽ kiểm tra và đối chiếu lại một lần nữa các giấy tờ thủ tục, nếu không còn gì thiếu sót sẽ ký xác nhận công chứng vào văn bản khai nhận. Sau đó tiến hành thu phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo luật định, đồng thời trả lại bản chính văn bản này cho người yêu cầu công chứng.
Về lệ phí công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế, Thông tư số 257/2016/TT-BCT quy định cụ thể về các mức thu tương ứng với giá trị tài sản (trong trường hợp này là di sản nhà đất) như sau:
Giá trị di sản | Mức thu lệ phí công chứng |
Dưới 50 triệu đồng | 50.000 đồng |
50 - 100 triệu đồng | 100.000 đồng |
100 - 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản |
01 - 03 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản vượt quá 1 tỷ đồng |
03 - 05 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản vượt quá 03 tỷ đồng |
05 - 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản vượt quá 05 tỷ đồng |
10 - 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản vượt quá 10 tỷ đồng |
Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
Linh Phương
>> Nhà, đất không sổ đỏ có được cho thừa kế hay không?
>> Thừa kế nhà, đất có cần nộp thuế phí hay không?
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet