Thủ tục thực hiện dự án đầu tư: Giấy phép mắc Nghị định
Trong công tác thực hiện các thủ tục hành chính cho dự án đầu tư, các doanh nghiệp khá bức xúc với những thủ tục rườm rà, kéo dài, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp về thực trạng và giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư”, do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) tổ chức tại Tp.HCM, đại diện Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn cho biết, việc giải quyết cho người dân xây dựng nhà trong dự án của Công ty đang vướng Nghị định 64/2012/NĐ-CP, bởi lẽ, việc cấp giấy phép xây dựng giao cho quận/huyện, thì quận/huyện lại đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong khi để có giấy chứng nhận này thì chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hoàn tất dự án. Như vậy phải mất thêm 2 - 3 năm nữa mới có thể được cấp được giấy chứng nhận.
“Vừa qua, Công ty đã có kiến nghị và Ban quản lý Khu Nam Sài Gòn đã mời đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM xuống làm việc, song không giải quyết được vấn đề, bởi đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP, nên không thể làm khác”, đại diện Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn cho biết.
Bức xúc hơn, ông Nguyễn Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) cho biết, dự án đầu tư của Công ty sắp hoàn tất, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân rồi mà vẫn tắc bởi thủ tục xin giấy phép xây dựng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Một dẫn chứng mà ông Thế đưa ra là, dự án của Công ty Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn tại phường Phú Mỹ, quận 7 (Khu Nam Sài Gòn) đã đầu tư hạ tầng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, nhưng khi người dân lên UBND quận xin giấy phép xây dựng, thì được thông báo là tạm ngưng cấp giấy phép để chờ hướng dẫn của Nghị định 64/2012/NĐ-CP.
Trên thực tế, Nghị định 64/2012/NĐ-CP chỉ là một trong số nhiều thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều phiền toái. Luật sư Nguyễn Gia Long (Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam) thậm chí cho rằng, những vướng mắc về thủ tục hành chính là nguyên nhân chính khiến công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, đình trệ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, Bộ Tư pháp tiếp thu tất cả những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, nhằm phục vụ việc xây dựng Nghị quyết của Chính phủ. Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp xây dựng Nghị quyết Chuyên đề cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Theo kế hoạch, Nghị quyết này sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2013.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet