Thu hồi đất xây thủy điện: Mập mờ đền bù
Để xây Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A, gần 300 hộ dân của các xã Ea Huar, Ea Wer và Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã bị thu hồi tổng cộng 214 ha đất ở, đất sản xuất. Sau nhiều năm bị thu hồi đất, đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A có công suất 64 MW, đóng trên địa bàn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư. Khi xây dựng thủy điện này, dân đã bị thu hồi đất. Tuy nhiên, sau 4 năm bị thu hồi, nhiều người dân vẫn chưa được chủ đầu tư bồi thường, đảm bảo lợi ích chính đáng.
Bồi thường 1.800 đồng/m2
Tháng 9/2009, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (HĐBTHT-GPMB) công trình thủy điện Sêrêpốk 4A đã lập biên bản xác định hiện trạng về đất đai, vật kiến trúc, cây trồng của 298 hộ dân để xây dựng thủy điện. Trong đó, hộ ông Vũ Văn Thanh có 33.089 m2, Nguyễn Văn Sinh có 3.223 m2, Trương Đình Hiệp có 9.907 m2 được xác định là đất sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây hằng năm và lâu năm.
Hơn 3 ha đất nông nghiệp của hộ ông Vũ Văn Thanh bị thu hồi nhưng chỉ được hỗ trợ 1.800 đồng/m2 |
Tháng 9/2010, UBND huyện Buôn Đôn ra các quyết định thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân trên và được người dân đồng thuận. Thế nhưng sau đó, thay vì nhận được tiền bồi thường theo quy định thì các hộ này chỉ được hỗ trợ 18 triệu đồng/ha. Lý do được HĐBTHT-GPMB đưa ra là diện tích đất nằm trong quy hoạch thao trường quân sự.
Ông Thanh bức xúc: “Năm 2003, tôi mua diện tích đất trên của gia đình ông Y Blăng Auyn. Từ đó đến khi bị thu hồi, gia đình tôi canh tác ổn định. Tháng 10-2010, UBND huyện Buôn Đôn ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc và cây trồng cho gia đình tôi tổng cộng hơn 545 triệu đồng. Chẳng hiểu vì sao cuối cùng chỉ được hỗ trợ 1.800 đồng/m2, không bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc trên đất”. Tương tự, ông Trương Đình Hiệp cũng khẳng định diện tích đất của gia đình đã sử dụng ổn định, trồng các loại hoa màu và cây lâu năm từ nhiều năm qua, chưa có bất kỳ ai tới nói rằng đất này thuộc thao trường quân sự cả.
Thao trường... trên giấy
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 2/4/2004, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 448/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đai huyện Buôn Đôn đến năm 2010, trong đó có đề cập việc quy hoạch hơn 367 ha đất quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, trên thực tế, quy hoạch đất quốc phòng an ninh chưa được công khai, chưa cắm mốc, khoanh vùng nên không những người dân mà ngay cả chính quyền cấp xã cũng không hề hay biết. Điều này đồng nghĩa với việc diện tích đất trên vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của người dân, nếu thu hồi thì phải đền bù thỏa đáng.
Bất ngờ với việc có một thao trường “từ trên trời rơi xuống” suốt 4 năm qua, nhiều hộ dân, trong đó có 3 hộ nói trên, đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ địa phương lên trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Tôi đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng cung cấp các quyết định chứng minh đất của tôi đã quy hoạch thao trường nhưng chẳng nơi nào cung cấp mà chỉ nói suông” - ông Thanh nói.
Trả lời khiếu nại của người dân, UBND huyện Buôn Đôn, HĐBTHT-GPMB đều khẳng định đất của các hộ dân thuộc diện tích đất quy hoạch thao trường huấn luyện nên không chấp nhận đơn kiến nghị. Khi người dân bức xúc hỏi vì sao quy hoạch nhưng họ không biết thì lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Buôn Đôn giải thích: “Đất quốc phòng quy hoạch nên không công khai!”.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, việc UBND huyện Buôn Đôn không công bố, không quản lý được quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định 448/QĐ-UB là lỗi của chính quyền địa phương. Trong khi đó, cách giải quyết đơn thư khiếu nại không đúng trình tự pháp luật, không thống nhất trong các văn bản của UBND huyện Buôn Đôn là nguyên nhân làm mất lòng tin của người dân. Vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo UBND huyện Buôn Đôn xem xét trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch sử dụng đất, xem xét bồi thường cho các hộ dân.
Nhiều hệ lụy Trong quá trình xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, đời sống của người dân. Cụ thể là làm khô cạn hơn 20 km sông Sêrêpốk, nổ mìn làm nứt nhiều nhà dân, vỡ kênh dẫn dòng làm thiệt hại hoa màu, tự ý đổ đất đá lên nhiều diện tích đất trồng trọt... Hàng trăm hộ dân bị thiệt hại đã khiếu nại nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet