Thời của căn hộ giá rẻ
Thị trường bất động sản (BĐS) đang có sự biến động mạnh, giá vật liệu xây dựng tăng cao trong khi việc vay tín dụng BĐS ngày càng khó khăn. Không ít doanh nghiệp đã chuyển hướng sang đầu tư các căn hộ giá rẻ, nhắm vào nhóm khách hàng bình dân.
Cung không kịp cầu
Mở đầu cho "dòng sản phẩm" căn hộ giá rẻ này là dự án E.home do Công ty Nam Long ADC làm chủ đầu tư. Dự án gồm 312 căn hộ, nằm tại phường Phước Long, quận 9, TPHCM. Mỗi căn hộ có diện tích trung bình từ 50-60 m2, gồm hai phòng ngủ, giá từ 500-600 triệu đồng/căn.
Điều nổi bật của dự án E.home là tuy là nhà giá rẻ nhưng các dịch vụ tiện ích kèm theo không thua gì các dự án cao cấp. Cụ thể xung quanh khối cao ốc, Công ty còn dành diện tích khá lớn cho việc xây dựng các công trình hạ tầng về kỹ thuật và xã hội như công viên cây xanh, nhà trẻ, câu lạc bộ, trạm y tế...
Theo phòng kinh doanh của Công ty Nam Long ADC, dự án tuy mới khởi công vào trung tuần tháng 3 vừa qua, nhưng số lượng khách hàng đến đăng ký mua đã hơn phân nữa.
Một dự án khác phải kể đến là dự án căn hộ siêu rẻ của Công ty địa ốc Đất Lành. Dự án nằm tại khu dân cư Thái An, quận 12, TPHCM. Các căn hộ có diện tích rộng từ 30-40 m2 (dành cho 2 người), giá bán khá hấp dẫn từ 240-300 triệu đồng/m2. Khách hàng có thể vay trả góp từ 5-10 năm.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty, hiện Công ty đang chờ sự hồi âm của Bộ Xây dựng, và UBND TP. Chỉ cần được sự đồng ý, Công ty sẽ tiến hành khởi công dự án ngay.
Ngoài ra cũng phải kể đến một loạt căn hộ giá thấp của Công ty Lĩnh Phong-Conic tại quận 7 (TP.HCM) như Conic Đình Khiêm, Conic-Đông Nam Á... với giá trung bình chỉ khoảng từ 7-8 triệu đồng/m2.
Chưa dừng lại ở đây, thị trường căn hộ giá rẻ cũng bắt đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, tập đoàn xây dựng Dea Dong(Hàn Quốc) đã hợp tác với Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn xây dựng 2.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp ở quận Gò Vấp (TPHCM).
Tập đoàn VinaCapital thông qua các quỹ đầu tư của mình cũng đang thương thảo với một công ty xây dựng triển khai một dự án tương tự ở quận Bình Chánh (TPHCM).
Tuy nhiên, gây sốc nhất có lẽ là một dự án của một tập đoàn địa ốc Trung Quốc sắp triển khai tại quận 7 (TPHCM) mà chủ đầu tư tuyên bố: Giá bình dân, nhưng chất lượng và dịch vụ tương đương với một căn hộ cao cấp!
Những rào cản...
Một trong những rào cản khiến cho các DN BĐS không mặn mà lắm với việc xây dựng căn hộ giá rẻ là do Nhà nước hiện vẫn xem đây là chương trình xã hội chứ không phải là một thị trường thực sự. Mà hễ là chương trình thì DN thường nghĩ là làm “từ thiện” nên ít ai quan tâm.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây do Hiệp hội BĐS TPHCM tổ chức, ông Đặng Thanh Vũ, Giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình bức xúc: “Nhà nước kêu gọi DN xây dựng nhà giá thấp, nhà ở xã hội... nhưng không hỗ trợ DN cơ chế ưu đãi thì làm sao ai dám làm”.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành nói thêm: "TPHCM đưa ra chương trình nhà ở xã hội lúc đầu là 30.000 căn, sau đó tăng thêm 70.000 căn. Bộ Xây dựng lại đưa ra mục tiêu xây 500.000 căn từ đây đến năm 2012. Xin hỏi dự án 30.000 căn của TP bị phá sản thì lấy gì dự án 500.000 căn của Bộ lại khả thi?"
Theo ông Đực, kinh doanh thì phải kiếm lời, cho nên DN dù có thiện chí, có ủng hộ Nhà nước lắm thì cũng ở mức có hạn. Ông Đực đề nghị Chính phủ cần kham khảo cách làm của Trung Quốc như hiện nay là cần có một Bộ chuyên về nhà ở xã hội để đảm bảo sự minh bạch và bất vụ lợi trong các dự án.
Về vấn đề tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội, một số DN cho rằng, đề xuất của Bộ Xây dựng yêu cầu các dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải dành tối đa 20% quỹ đất dự án để phát triển nhà ở xã hội là không hợp lý, không kích thích được các DN BĐS tập trung vào các dự án nhà dạng này (ít nhất phải từ 50 ha trở lên mới dành quỹ đất). Đó là chưa kể các quy định bất hợp lý như nhà ở xã hội xây không quá 6 tầng, không sử dụng thang máy... cần phải bải bỏ.
Cuối cùng, các DN địa ốc kiến nghị, Bộ Xây dựng nên có sự điều chỉnh linh họat trong việc đưa ra hạn diện tích sử dụng. Theo quy định hiện hành, diện tích tối thiểu của một căn hộ là 45m2 dành cho 4 người ở. Hạn diện tích này không khuyến khích được các DN xây dựng nhà giá rẻ, vì khi xây họ sẽ xây nhà có diện tích từ 70-80 m2/căn để bán kiếm lời hơn.
Theo các DN, nên hạ diện tích xuống từ 30-40 m2/căn là phù hợp. Đây cũng là cách mà các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... đã ứng dụng thành công trong các chương trình nhà ở dành cho người lao động có thu nhập thấp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet