Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng”
Bất chấp sự suy giảm của thị trường đất nền khu vực phía Nam, nhà đất phía Tây, đặc biệt là Củ Chi vẫn thu hút được sự quan tâm từ người mua nhờ những lợi thế về hạ tầng đang được triển khai.
Nhu cầu mua đất nền khu Tây TP.HCM tăng
Theo dữ liệu trực tuyến 9 tháng đầu năm của Batdongsan.com.vn, ngoại trừ hai tháng gần đây, đất nền vẫn là phân khúc có nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng tăng trưởng mạnh nhất. Bất chấp các yếu tố khủng hoảng pháp lý, mức độ quan tâm đất nền thị trường khu Tây Bắc vẫn tăng hơn 10% so với quý trước và tập trung chủ yếu ở khu vực Hóc Môn, Củ Chi.
Thực tế, khu Tây Bắc TP.HCM đang là địa phương có giao dịch đất nền khá tốt, lượng khách hàng quan tâm tìm kiếm tiếp tục tăng. Cụ thể, tính riêng trong quý 2/2019, thời điểm lượng tìm kiếm và mức độ quan tâm đất nền toàn thị trường giảm nhiệt mạnh, nhà đất khu Tây vẫn tăng nhẹ. Nếu các quận chính của khu Đông như quận 2, quận 9 và Thủ Đức, nơi từng là điểm nóng sốt nhất của thị trường đất nền đều giảm mạnh từ 16-36%; đất nền khu Nam thuộc các quận Bình Chánh, Nhà Bè giảm đến 26-36% so với cùng kỳ năm 2018 thì khu Tây vẫn có nhu cầu giao dịch đất nền ổn định, thậm chí tăng nhẹ. Theo đó, nhu cầu tìm mua đất nền Củ Chi trong quý 2 tăng hơn 11% so với cùng kỳ, nhà đất Hóc Môn tuy không tăng nhưng vẫn giữ mức ổn định. Quận 12 là địa bàn duy nhất khu Tây có mức quan tâm giảm nhưng chỉ dao động vào khoảng 5%.
Hạ tầng giao thông đang là đòn bẩy giúp thị trường nhà đất các quận
huyện phía Tây TP.HCM phát triển mạnh. Ảnh minh họa
Bên cạnh nhu cầu tìm mua cao, đất nền khu Tây TP.HCM cũng đang ghi nhận biên độ tăng giá tốt. Ông Nguyễn Quốc Anh – P.TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, trong phân khúc đất nền, Củ Chi là khu vực có biến động giá cao nhất với giá đất tăng gấp 3 lần trong 4 năm. Tính từ năm 2016 đến nay, giá đất tại Củ Chi tăng 197% và bắt đầu tăng mạnh kể từ quý 1/2018. Có 3 khu vực tại Củ Chi được người mua quan tâm nhiều nhất là Tân Thạch Đông, Bình Mỹ và Tân Phú Trung. Mức giá được tìm kiếm nhiều nhất dao động trong khoảng từ 6-12 triệu/m2 và diện tích từ 80-120m2.
Riêng với loại hình đất nền dự án có sổ hồng riêng từng lô, trong khu có hạ tầng hoàn chỉnh, được xây dựng tự do hiện có mức giá chào bán đến 16 triệu/m2, cao gấp 2,7 lần so với giá bình quân. Đây cũng là loại hình sản phẩm có biên độ tăng giá tốt nhất. Các quận huyện khác như quận 12, Hóc Môn cũng có biên độ tăng giá đất nền từ 40-60% trong 3 năm trở lại đây. Nhiều khu vực thuộc phường Thạnh Xuân, An Phú Đông, Thạnh Lộc (quận 12) có mức tăng gần 80% so với thời điểm 2017.
Hạ tầng tạo lực đẩy cho bất động sản gia tăng
Khu Tây Bắc TP.HCM đang trở thành địa bàn tiềm năng của BĐS TP.HCM khi sở hữu hệ thống giao thông chiến lược, quy hoạch đồng bộ, đảm bảo cho tiêu chí phát triển đô thị vệ tinh. Loạt dự án hạ tầng giao thông đang được đầu tư tại đây giúp kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực Củ Chi, Hóc Môn và các tỉnh lân cận. Cụ thể như dự án mở rộng quốc lộ 1A tuyến nối khu Đông TP.HCM về miền Tây Nam Bộ xuyên qua Khu Tây Bắc; tuyến đường sắt trên cao Bến Thành – Tham Lương; thông xe hầm chui An Sương cũng giúp việc kết nối khu Tây Bắc với trung tâm thành phố và giữa TP.HCM với tỉnh Tây Ninh được thông suốt hơn.
Nhu cầu tìm mua nhà đất pháp lý minh bạch gia tăng sau hàng loạt thông tin
về lừa đảo đất nền xuất hiện trên thị trường. Ảnh minh họa
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực. Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là 1 trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.727 tỷ đồng, giai đoạn 2 là hơn 5.000 tỷ đồng với điểm đầu giao cắt giữa đường Vành đai 3 với tỉnh lộ 15, điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi, TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, tuyến đường vành đai 3, kết nối 4 tỉnh Long An, Bình Dương, TP.HCM và Đồng Nai, đã được gấp rút thi công tháng 4/2018. Với chức năng phân luồng từ xa, vành đai 3 giúp kéo giảm căn bản tình trạng ùn tắc xuyên tâm khu vực nội đô. Đối với đoạn tuyến TX Thuận An đi qua các huyện Củ Chi, Hóc Môn để kết nối vào huyện Bến Lức, Long An đang được Bộ GTVT chú trọng, gấp rút đầu tư. Đây là tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế kết nối 8 tỉnh trọng điểm phía Nam.
Việc đầu tư đồng bộ, quy hoạch hợp lý cùng với sự khởi động của các tuyến đường đô thị đã dần xóa đi bộ mặt hạ tầng vốn đã có lúc hụt hơi ở cửa ngõ khu Tây Bắc, giúp nơi đây trở thành cầu nối giao thương mạnh mẽ giữa vùng lõi nội đô và nhiều tỉnh lân cận. Hạ tầng đồng bộ, các dự án có quy mô lớn được tái khởi động, quỹ đất dồi dào, địa thế cao ráo được xem là động lực để cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM bứt phá.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet