Thị trường khách sạn Nha Trang: Nhiều "sạn" phải nhặt
Để tránh tình trạng các khách sạn phá giá, trốn thuế và đảm bảo chất lượng, bình ổn giá dịch vụ lưu trú tại Nha Trang, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa vừa có văn bản kiến nghị gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về các nội dung liên quan.
Quản lý khách sạn tại Nha Trang còn nhiều kẽ hở
Theo khảo sát của PV Người Lao Động, các khách sạn và căn hộ du lịch (condotel) đang hoạt động tại TP. Nha Trang hiện có giá phòng giảm rất sâu với độ chênh lớn so với mức xếp hạng sao. Chẳng hạn, một tổ hợp căn hộ - khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng theo quảng cáo là tiêu chuẩn tương đương 4 sao nhưng chỉ có giá thuê 500.000 đồng/ngày với căn hộ 2 phòng ngủ, đủ nội thất cho 2 gia đình. Khách sạn tên G.O trên đường Trần Phú cũng quảng cáo đạt tiêu chuẩn 4 sao, được bán với giá trên 2,7 triệu đồng/ngày/phòng nhưng thực chất chỉ còn 680.000 đồng/ngày/phòng do giảm giá tới 75%. Một khách sạn khác là S.NT, quảng cáo là 5 sao, khi PV book trên website của khách sạn này thì được báo giá phòng đơn từ 1,5-2,8 triệu đồng/ngày, tuy nhiên nếu đặt qua dịch vụ thì giá rơi xuống còn 900.000 đồng/ngày…
Theo xác nhận từ ông Lê Văn Sơn, Tổng Giám đốc khách sạn Liberty Central Nha Trang, Chi hội trưởng Chi hội Khách sạn kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, đầu tư khách sạn, condotel tại Nha Trang tăng mạnh kể từ những đợt cháy phòng do lượng khách Trung Quốc và Nga đến quá đông. Trong năm 2018, có khoảng 6,3 triệu lượt khách đổ về Khánh Hòa, so với năm liền trước tăng trên 16%. Trong khi đó, số cơ sở lưu trú tham gia thị trường đạt hơn 12.000 phòng, tăng trên 30%, cũng so với năm 2017. Đến năm 2019, dự đoán Khánh Hòa sẽ có thêm 10.000 phòng, nhiều khả năng bội cung.
Cùng với khách sạn truyền thống, loại hình condotel cũng bùng nổ, khiến quản lý chất lượng dịch vụ lưu trú bộc lộ nhiều kẽ hở như không thể kiểm soát được lượng khách đăng ký ở, dịch vụ đi kèm thiếu thốn, thất thoát thuế, phá giá phòng vô tội vạ...". Ở Nha Trang còn xuất hiện tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt thuê khách sạn, căn hộ để tự kinh doanh. Họ tự phong sao và đưa ra giá phòng, căn hộ gây ra nhiều bất ổn", ông Sơn khuyến cáo.
Thị trường khách sạn Nha Trang có dấu hiệu dư thừa nguồn cung. Ảnh minh họa
"Hiện nay nhiều khách sạn ra đời có vị trí không thuận lợi hay các condotel có rất nhiều chủ, nhiều đại lý cùng mua lại căn hộ giá sỉ để kinh doanh lưu trú. Trước việc thừa phòng, các đại lý hạ giá từ 30-60% để cạnh tranh theo kiểu vớt vát. Điều này khiến "thiên đường du lịch Nha Trang" dường như đang lệch khỏi mục tiêu thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp của thế giới", ông Lương Hoàng Thiên, đại diện khách sạn Melissa, cho biết thêm.
Cần "nhặt sạn"
Bàn về giải pháp, theo ông Thiên chủ đầu tư các khách sạn đã nhiều lần cùng ngồi lại để bàn thảo về giá phòng nhưng chưa đi đến thống nhất vì vị trí và mức độ đầu tư của từng khách sạn không giống nhau. "Điều cần ở đây là phải bán đúng giá đã niêm yết. Đây là giá trị cốt lõi mà mỗi khách sạn đã tính toán để bảo đảm chất lượng dịch vụ chứ không phá giá như thời gian qua", ông Thiên đề nghị.
Tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp du lịch năm 2019 vừa tổ chức, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu ngành du lịch phải nâng cao chất lượng sản phẩm, bình ổn về giá cả, để không làm mất đi hình ảnh thương hiệu của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Theo ông Hải, những vụ việc như "chặt chém" du khách trong đợt Tết Kỷ Hợi, để khách phải chờ đợi 3-4 giờ mới được nhận hành lý… rất khó chấp nhận. "Đó là những hạt sạn cần loại bỏ, bởi nó ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa mà chúng ta đã dày công xây dựng", ông Hải nói.
Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cũng có nhiều kiến nghị trong văn bản gửi UBND tỉnh. Cụ thể: "các khách sạn từ 3-5 sao tham gia vào Chi hội Khách sạn để chia sẻ thông tin giá cả thị trường; đưa ra tiêu chí bán phòng cụ thể dựa vào vị trí, mức đầu tư, thương hiệu để có giá bán hợp lý, tránh tình trạng mù thông tin và bị các đối tác bắt chẹt; cùng ký cam kết với các công ty du lịch trong nước bảo đảm một lượng phòng ổn định, giá tốt cho thị trường nội địa; áp dụng công nghệ để kinh doanh "mua tận gốc bán tận ngọn" cho khách hàng, không qua trung gian. Đặc biệt, các khách sạn phải chấn chỉnh lại việc làm thủ tục và trả hành lý cho khách nước ngoài, cũng như việc tự phong sao trên mạng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định; lập đường dây nóng có chế tài mạnh đối với trường hợp vi phạm…"
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ các loại condotel, yêu cầu đăng ký thẩm định chất lượng dịch vụ và đóng thuế như kinh doanh khách sạn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet