Thị trường BĐS Tp.HCM 2018: Nhiều con số sụt giảm mạnh so với năm 2017
Theo báo cáo tổng kết cuối năm thị trường BĐS Tp.HCM từ Sở xây dựng, không chỉ nguồn cung dự án mới mà hoạt động M&A bất động sản, nguồn thu ngân sách từ đất trong năm 2018 cũng đang giảm mạnh so với 2017.
Nguồn cung căn hộ giảm 13%
Cụ thể, theo số liệu Sở Xây dựng đã trình UBND TP phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, Tp.HCM có 124 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt, giảm 12,7% so với năm 2017. Trong đó, có 14 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư; công nhận chủ đầu tư 30 dự án; chấp thuận đầu tư 80 dự án. Sở Xây dựng xác nhận 77 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai gồm có 28.316 căn nhà. Trong đó, có 27.166 căn hộ và 1.200 căn nhà thấp tầng, với tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng. Phân khúc cao cấp có 8.502 căn, chiếm tỷ lệ 30%; phân khúc trung cấp có 12.833 căn, chiếm tỷ lệ 45,3%; phân khúc bình dân có 6.981 căn, chiếm tỷ lệ 24,7%.
So sánh nguồn cung bất động sản năm 2018 với năm 2017 cho thấy, số lượng dự án giảm 18 dự án, tỷ lệ giảm 13%; Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 16.675 căn, vào khoảng 34,1%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp chỉ giảm 2.485 căn, tỷ lệ giảm 22,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỷ lệ giảm đến 34,2%; phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%.
Nguồn cung căn hộ trong năm 2018 tại Tp.HCM giảm 13% so với năm 2017. Ảnh minh họa
Hoạt động M&A bất động sản giảm 15%
Năm 2018, UBND TP cũng chấp thuận cho chuyển nhượng 17/25 dự án bất động sản (M&A) giảm 15% so với năm 2017. Nhìn chung các thương vụ mua bán và sáp nhập thuộc phân khúc nhà ở, thương mại và bất động sản công nghiệp chủ yếu diễn ra và bùng nổ ở thị trường phía Bắc và Tp.HCM vào 6 tháng đầu năm, thời điểm cuối năm hoạt động có phần chững lại.
Một số thương vụ tiêu biểu như Frasers Property mua lại 75% cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang, tiến hành xây dựng dự án khu dân cư và thương mại tại Quận 2; Keppel Land thoái vốn tại QLP với giá 30,6 triệu USD; Berjaya Land Berhad (Malaysia) đã thoái toàn bộ 32,5% số vốn góp vào Berjaya Việt Nam Financial Center Limited (BVFC) tương đương 38,4 triệu USD; Nomura Real Estate Development mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng Sun Wah…
Tổng thu ngân sách từ đất sụt giảm 18,9%
Thu ngân sách từ đất giảm 18,9%
Tình hình thu ngân sách từ đất trên địa bàn thành phố bị sụt giảm mạnh. Năm 2017, Tp.HCM đã thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 17.905 tỷ đồng. Năm 2018, ước thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 13.868 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách.
So với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 5.139 tỷ đồng, giảm 18,9%; số thu tiền sử dụng đất giảm khoảng 4.537 tỷ đồng, giảm đến 25,3%. Điều đáng quan tâm là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30/11/2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng số thu từ đất trong tổng số thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm đến 2,43%.
Vốn FDI vào BĐS Tp.HCM giảm 18,7%
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2018 đạt hơn 30 tỷ USD, trong đó, có hơn 6,5 tỷ USD đầu tư vào bất động sản, chiếm 21,3% đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI với vị trí dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp theo là Hàn Quốc và Singapore, Trung quốc (Hongkong). Riêng tại Tp.HCM, nguồn vốn FDI đạt 6,22 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản thành phố thu hút được hơn 1 tỷ USD, đứng thứ ba, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI, giảm so với năm 2017.
Dư nợ tín dụng tăng 16,3%
Dư nợ tín dụng của Tp.HCM trong năm 2018 tăng 16,3% so với năm 2017. Ảnh minh họa
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 16,31% so với năm 2017, chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn tiếp tục xu thế tăng trong 03 năm gần đây, năm 2018 chiếm khoảng 53,7%, trong đó, ngành xây dựng - bất động sản chiếm 12,48% tăng 20,5% so với năm 2017.
Đáng lưu ý là tín dụng tiêu dùng có xu hướng tăng trong 04 năm gần đây. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 18,79%, trong đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng có liên quan đến sửa nhà, xây nhà, mua nhà ước khoảng trên dưới 140.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 38-40% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Điều cần quan tâm là cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích nguồn vốn tín dụng tiêu dùng này, vì có một phần không nhỏ đã được đầu tư vào thị trường bất động sản.
Huy động vốn tiết kiệm tăng 12%
Lãi suất vay mua nhà cuối năm 2018 tăng mạnh do ngân
hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Ảnh minh họa
Huy động vốn tiết kiệm ước đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2017. Tình hình lãi suất huy động tiết kiệm trong 11 tháng đầu năm 2018 tương đối ổn định, nhưng kể từ đầu tháng 12/2018 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên của tất cả 31 ngân hàng thương mại đều tăng. Trong đó, có đến 11 ngân hàng có mức lãi suất huy động tiết kiệm từ 8 - 8,7%/năm. Hệ quả của việc tăng lãi suất huy động tiết kiệm sẽ tác động làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người mua nhà trong năm 2019.
Nguồn kiều hối năm 2018 tăng 11,5%
Việt Nam có khoảng 4,5 triệu kiều bào sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; 80% sống tại các nước phát triển. Trong đó, gần 50% kiều bào sinh sống tại Hoa Kỳ với khoảng 500.000 người là trí thức, chuyên gia. Nguồn kiều hối chuyển về nước từ năm 1993-2018 đạt khoảng 143 tỷ USD. Riêng năm 2018, nguồn kiều hối tăng mạnh, dự kiến cả nước sẽ đạt khoảng 15,9 tỷ USD. Tp.HCM có thể đạt mức 5,2 tỷ USD năm 2018. Trong đó, thường có khoảng 22% đầu tư vào thị trường bất động sản. Hiện nay, có khoảng 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đầu tư về nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD tại 47 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phương Uyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet