Thí điểm xây nhà xưởng cao tầng tại Tp.HCM với gần 600 tỷ đồng
Vừa qua, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định thực hiện kế hoạch thí điểm mô hình nhà xưởng cao tầng ở các khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu công nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2015-2018 với dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.
Cụ thể, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất sẽ thí điểm đầu tư xây dựng những khu nhà xưởng cao tầng với dự kiến quy mô mỗi nhà xưởng khoảng 3-8 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000-40.000m2, thiết kế các xưởng có diện tích 3.000m2, 1.000m2, 500m2, 200m2, 100m2.
Các xưởng cao tầng thu hút các đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp di dời vì không phù hợp quy hoạch, nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, ngành công nghiệp hỗ trợ để tổ chức sản xuất với điều kiện sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến, có các giải pháp xử lý tốt nước thải, khí thải, chất thải rắn, độ rung, tiếng ồn, có tính chất sản xuất các mặt hàng có tổng trọng lượng không lớn.
Theo đó, Khu công nghiệp Hiệp Phước đầu tư xây dựng 5 nhà xưởng cao 3 tầng và khu văn phòng điều hành với quy mô sàn xây dựng trên 35.000m2, dự kiến thực hiện trong quý I/2015.
Khu công nghiệp Đông Nam được xây dựng với quy mô 3,5 ha. Khu công nghệ cao này được xây dựng nhà xưởng 6 tầng, tổng quy mô sàn gần 16.000m2, dự kiến thực hiện vào quý I/2015.
Khu chế xuất Linh Trung được đầu tư nhà xưởng gồm 2 tầng lửng và 4 tầng với tổng quy mô sàn là hơn 33.400m2, trong đó mỗi tầng có quy mô khoảng 7.700m2, mỗi tầng sẽ được chia thành khoảng 7 nhà xưởng nhỏ.
Công nhân đang làm việc tại Tập đoàn Sunny Hàn Quốc tại khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, Tp.HCM. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng với quy mô nhà xưởng cao 8 tầng, 1 khối nhà để xe với quy mô sàn là trên 18.700 m2. Quý IV/2015, dự kiến khu nhà xưởng cao tầng này sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Tất Thành Cang cho biết, mô hình này giúp thành phố tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bằng việc đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp ngành hỗ trợ cần nơi sản xuất gần các doanh nghiệp lớn (như Samsung, Intel, Sonion, Datalogic...) hình thành nên những khu công nghiệp hỗ trợ, tạo ra sự kết nối giữa các doanh nghiệp ở trong cùng "chuỗi cung ứng".
Đặc biệt, kế hoạch này cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi đối với một số nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở xưởng sản xuất nhỏ nhằm thăm dò môi trường đầu tư và thị trường trước khi quyết định đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Ngoài ra, kế hoạch này cũng nhằm mục đích phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp di dời vì không phù hợp quy hoạch đô thị, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố có quy mô sản xuất nhỏ và vừa thuê xưởng sản xuất xây sẵn với phần diện tích phù hợp.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet