Thêm vụ lình xình ở khu đô thị Văn Khê
Xung quanh khu đô thị cao cấp Văn Khê, Hà Đông (Hà Nội) đã có nhiều chuyện nan giải như việc khiếu kiện về tình trạng không điện, không nước... Mới đây, người dân khu đô thị này lại tiếp tục "đau đầu" vì trạm biến áp "biết đi", án ngữ khoảng không trước căn hộ của mình.
Đánh bùn sang ao?
Cuối tháng 3-2011, hàng chục hộ dân khu liền kề 23 – khu đô thị Văn Khê đã khiếu kiện chủ đầu tư về việc các căn hộ liền kề này không có điện nước, không có đường đi, hộ dân nào muốn ở phải tự kéo nước, điện về nhà mình. Sự việc căng thẳng tới mức, các hộ dân đã liên kết để bầu Ban đại diện khu dân cư để yêu cầu chủ đầu tư -Cty CP Sông Đà – Thăng Long thực hiện theo đúng cam kết, nếu không các hộ dân sẽ kiện ra toà. Sau nhiều buổi đàm phán, ngày 10-5-2011, đại diện của Cty CP Sông Đà – Thăng Long đã họp với đại diện khu dân cư và đưa ra bản cam kết: thi công tuyến đường liền kề 23 là 11,5m (đã bao gồm cả vỉa hè), đường thẳng và thông hai đầu đường, phần đất còn lại giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và đường 11,5 mét trước cửa liền kề 23 (sau khi đã thi công), Sông Đà – Thăng Long sẽ thi công vườn hoa, công viên, ghế đá...Trạm biến áp kiên cố có diện tích xây dựng gần 100m2 |
Theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Sông Đà – Thăng Long với người dân về việc mua quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở tại Dự án khu nhà ở Văn Khê: chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành hạ tầng cơ sở (hệ thống điện, nước, đường đi, các công trình công cộng khác của từng lô đất; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500. Thời gian hoàn thiện hạ tầng theo cam kết là quý III/2009. Các hộ dân có trách nhiệm chuyển giao hết tiền khi nhận nhà đã được chủ đầu tư xây dựng theo đúng cam kết hợp đồng. Tuy nhiên, mặc dù đã nhận bàn giao nhà gần một năm, rất ít các hộ dân dám chuyển về ở, vì muốn ở, họ phải tự lắp đặt điện nước và tự làm đường dẫn vào nhà mình.
Trạm biến áp "biết đi”
Thời điểm cuối tháng 3, chiếc trạm biến áp này được xây dựng ở trước cửa các hộ LK 23 – 11, LK 23 – 12... hộ gia đình anh Tuấn (lô LK 23 – 11). Anh Tuấn, lô LK 23 – 11 khi đó bức xúc về việc một nhóm thợ đến trước cửa nhà mình đào hố, xây móng... Hỏi ra, anh được biết họ đang xây dựng một trạm biến áp điện. Về nội dung này, ông Nguyễn Trí Dũng, lãnh đạo của Công ty CP Sông Đà – Thăng Long giải thích: việc xây trạm biến áp trước nhà dân là không nằm trong bản đồ quy hoạch, và cũng không do Công ty Sông Đà – Thăng Long xây dựng. "Chúng tôi sẽ "bứng” trạm biến áp này đi vì nó không có trong sơ đồ quy hoạch cũng như do chúng tôi thi công. Hình như nó thuộc BQK dự án giãn dân Vạn Phúc. Không có lý gì mà họ được xây dựng trạm điện trên khu quy hoạch của chúng tôi”.Đơn vị này cũng thừa nhận việc chậm hoàn thiện hạ đường dây điện ngầm và đường ống dẫn nước đến khu vực hàng rào của khu căn hộ.Sau khi đấu tranh, trạm biến áp này đã không án ngữ mặt tiền của các lô liền kề 11, 12 nữa. Tuy nhiên, nó lại "chạy” sang án ngữ hết các lô khác, cụ thể là lô LK 17, 18,19 và vẫn nằm trên phần đất lưu không được quy hoạch thiết kế trồng vườn hoa cây xanh. Chị Nguyễn Tú Anh, chủ lô liền kề 17 – 23 bị trạm biến áp này che lấp toàn bộ phần mặt tiền nhà mình, trạm biến áp hiện tại đang được xây dựng có chiều rộng 6,5 mét, dài 14 mét, và được xây kiên cố như một căn hộ dân sinh. Tuy nhiên, điều bức xúc nhất, về hợp đồng mua bán, phía Sông Đà – Thăng Long cam kết, dự án gồm có các hạ tầng: đường 1.08 (tương đương 17m), điện nước, hành lang vườn hoa cây xanh... Trong hợp đồng và trong bản đồ quy hoạch không có bất cứ chi tiết nào nói về trạm biến áp.
Giải thích điều này, ông Nguyễn Trí Dũng phát biểu: "Dự án của chúng tôi được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2006, nhưng sau đó, Dự án giãn dân Vạn Phúc được cấp liền kề với dự án của chúng tôi, nên khi biểu hiện trên thực địa, vùng giáp biên của hai dự án này bị biến đổi. Đây là lỗi của cơ quan cấp phép, họ chưa đi thực tế trước khi ký quyết định phê duyệt!”.
(Theo ĐĐK)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet