Thêm một ngôi biệt thự cổ gần 100 tuổi tại Sài Gòn bị phá bỏ
Ngôi nhà số 237 (số cũ 227) Nơ Trang Long, phường 11, quận Bình Thạnh, Tp.HCM được xây dựng từ thời Pháp, là một trong số những căn biệt thự hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn xưa. Ngôi biệt thự là một trong những công trình có kiến trúc Pháp đẹp ở Sài Gòn. Nhưng mới đây, ngôi nhà này đã bị tháo dỡ.
Căn biệt thự cổ bị phá bỏ và chuẩn bị xây mới. Tp.HCM mất đi một di sản đẹp |
Chị Ngô Thanh Vân, một người dân sống gần đây tiếc rẻ: "Chúng tôi thấy vô cùng tiếc nuối bởi giá trị của ngôi biệt thự cổ này. Chỉ vì tranh chấp mà việc trùng tu bảo tồn không được chú ý. Giờ đây, biệt thự cổ đã trở thành quá khứ, nó đã biến mất rồi!"
Về lý do tại sao ngôi biệt thự cổ này bị tháo dỡ, một người thân trong ngôi nhà này cho biết, hiện nay ngôi nhà đang có sự tranh chấp. Dù đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan ban ngành mà vẫn chưa được giải quyết. Người này tâm sự: Nhìn thấy cảnh ngôi biệt thự bị tan tành và không còn nguyên vẹn thế này thì đau lắm. Chúng tôi phản đối những người đã lợi dụng việc nhà xuống cấp mà phá bỏ.
Song, việc tháo dỡ ngôi biệt thự bị gián đoạn, do trưa ngày 26/6, UBND phường 11 đã tiến hành lập biên bản tạm đình chỉ tháo dỡ trên theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Hội đồng bảo tồn Tp.HCM.
Hình ảnh ngôi biệt thự cổ trên đường Nơ Trang Long trước khi phá bỏ |
Một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cho biết, căn biệt thự chưa được xếp hạng, chủ nhà có xin phép sửa chữa và quận cũng đã xin ý kiến của UBND thành phố. Nhưng quyết định tạm đình chỉ tháo dỡ căn nhà được thực hiện theo yêu cầu của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Thạc sĩ - KTS Lê Minh Huy bày tỏ quan điểm, hơn 50% các chủ nhân căn biệt thự đều không có khả năng trùng tu, đa số bán cho chủ khác và mua căn nhà mới để sinh sống. Những ngôi biệt thự cổ ở Sài Gòn nằm nhỏ lẻ, rải rác, không ở một chỗ nên khó có thể làm du lịch hoặc biến đổi thành nhà công vụ.
Sau vụ việc phá bỏ ngôi biệt thự Pháp cổ, vị đại diện Sở Xây dựng Tp.HCM đã chia sẻ, đối với những căn biệt thự xây dựng thời Pháp thuộc diện di sản văn hóa, nếu như người dân muốn tu sửa hoặc tháo bỏ phải xin giấy phép của UBND Tp.HCM và giấy thẩm định từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM. Hiện tại, Tp.HCM còn hơn 100 căn biệt thự của Pháp.
Những viên gạch trang trí đã bị gỡ ra và mang đi bán |
Trong cuốn “Sài Gòn - Chuyện đời của phố” tác giả Phạm Công Luận từng đề cập đến căn biệt thự này ở bài “Nhà cổ ven đường”. Ngôi nhà nằm trong một loạt biệt thự được đại gia Sài Gòn xưa xây gần nhau tại khu vực cầu Băng Ky. Từ việc thu nhập tư liệu, ông Luận mô tả biệt thự được xây trên nền đất cao và đẹp nhất khu ngã năm Bình Hòa của Sài Gòn xưa.
Trước đây, ngôi biệt thự này được xây theo phong cách châu Âu, hoàn thành năm 1923. Vì biệt thự đang có tranh chấp nên việc bảo dưỡng không được thực hiện, nay bị xuống cấp trầm trọng. Cuối năm ngoái, chủ nhà từng rao bán căn biệt thự rộng 443 m2 này với giá 35 tỷ đồng.
Thông tư 38/2009 của Bộ Xây dựng quy định nhà biệt thự được chia thành 3 nhóm gồm: Nhóm 1 là biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc, nhà cổ do Hội đồng bảo tồn (thành lập theo Luật Nhà ở) xác định và lập danh sách để trình UBND Tp.HCM phê duyệt. Các biệt thự này được giữ nguyên hình dáng cấu trúc bên trong, kiến trúc bên ngoài, số tầng, mật độ xây dựng và chiều cao.
Nhóm 2 là biệt thự có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa, lịch sử, không thuộc nhóm 1, do Hội đồng bảo tồn xác định và lập danh sách, do UBND Tp.HCM phê duyệt. Những biệt thự nhóm này có thể thay đổi cấu trúc bên trong nhưng phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.
Nhóm 3 là các biệt thự không thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Chủ nhà được xây, sửa theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng hiện hành.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet