Thành phố sông Hồng: Vì lợi nhuận hay chất lượng sống?
Liệu có nên áp dụng mô hình đô thị như Seoul cho Hà Nội khi mà trình độ quy hoạch và phát triển đô thị của họ còn đang ở giai đoạn “chập chững”? Mô hình đô thị cao tầng - để bán hoặc cho thuê văn phòng sẽ mau chóng thu hồi vốn và đem lại lãi suất cao. Vậy mục đích của đề án TP. Sông Hồng là lợi nhuận hay vì chất lượng sống đô thị?
Trong suốt 20 năm qua, kiến trúc đô thị Việt Nam đã và đang phải chống chọi với những “dịch bệnh” như: dịch mái củ hành củ tỏi, dịch “nhái” Pháp cổ, dịch “nhà ống”…
Những dịch bệnh trên khởi đầu từ các đô thị lớn, và dần lan tràn tới các đô thị tỉnh lị, thị xã, thị trấn và làng xã. Nó khiến cho bộ mặt của các đô thị ở các vùng khác nhau mất đi nét đặc trưng riêng. Nông thôn đất rộng, người thưa nhưng người ta cũng đang xây “nhà ống” để “tiến” kịp thành phố.
Trong khi những “dịch bệnh” kể trên vẫn đang tiếp diễn thì trong khoảng từ 4 đến 5 năm gần đây, một “dịch bệnh” mới của đô thị cũng đang dần bùng phát - nhà ở chung cư cao tầng. Mới đây nhất là bản đề án đã được triển lãm mang tên: Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội của một tập đoàn nước ngoài là Hàn Quốc.
Đề án với “ý tưởng” xây dựng hàng loạt nhà cao tầng ven sông Hồng cùng với những lời truyết trình hoa mỹ, có vẻ như sẽ mở ra cho người dân thủ đô một tương lai sáng lạn.
Đồ án Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (HAIDEP).
Hãy khoan đánh giá tính khả thi và những hứa hẹn tốt đẹp mà đề án đã trình bày. Ta hãy nhìn ra một vài đô thị trên thế giới cũng có điểm tương đồng với Hà Nội là: đô thị được xây dựng hai bên bờ sông.
- Châu Âu: Các đô thị mà hiệu quả và thành công trong việc xây dựng và quản lý quy hoạch, đã góp phần đáng kể làm cho tên tuổi của các đô thị này trở nên nổi tiếng trên thế giới như Paris, Berlin, Rotterdam… Những đô thị này cũng đều được xây dựng hai bên bờ sông.
Ngoài việc được quy hoạch ngăn nắp, phân khu chức năng rõ ràng, không gian đô thị có rất nhiều khoảng “thở”, ngay cả trong những khu vực được gọi là có mật độ dân cư cao, nhưng bao giờ cũng có những khoảng không gian cây xanh, cảnh quan nằm trong lõi nhà hay đan xen liên tục từng tiểu khu ở.
Và đặc biệt ở khu vực trung tâm hai bên bờ sông là những công trình thấp tầng, thường là những công trình cổ và công trình văn hóa. Nếu có nhà cao tầng, cũng chỉ có một đến hai công trình thương mại, văn phòng hay khách sạn làm điểm nhấn (landmark) cho thành phố. Đặc biệt tuyệt đối không có công trình nhà ở cao tầng đặt ở vị trí này.
Một khu vực thuộc trung tâm thủ đô Berlin (Đức).
Vậy vì sao họ lại không xây dựng nhà cao tầng ở vị trí này?
Câu trả lời thật đơn giản là: ngay từ khâu thiết kế quy hoạch và xây dựng trước đây cho đến khâu quản lí và phát triển sau này, tất cả đều vì chất lượng sống, môi trường sống của người dân trong thành phố. Và với họ, nhà ở cao tầng chỉ là yếu tố mang tính giải pháp tình thế chứ chưa và sẽ không bao giờ là yếu tố tạo nên một đô thị bền vững.
Một khu vực ở thủ đô Paris (Pháp).
Một khu vực thuộc trung tâm Singapore (Hà Lan).
- Châu Á: Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là một quốc gia phát triển cả về kinh tế lẫn hạ tầng xã hội, cũng là một nước trong khối ASEAN. Mặc dù có diện tích lãnh thổ rất nhỏ, nhưng Singapore đã có một quy hoạch phát triển và ổn định.
Với diện tích rất nhỏ như vậy, Singapore hoàn toàn có thể có lí do chọn giải pháp quy hoạch xây dựng hàng loạt nhà cao tầng giống một số đô thị châu Á khác như Hong Kong hay Seoul (Hàn Quốc), nhưng họ đã không làm như vậy. Những khu vực trung tâm hay hai bên bờ sông vẫn là những công trình thấp tầng với cảnh quan cây xanh.
Một góc khu vực trung tâm Singapore với các tiểu khu nhà ở thấp tầng và các công trình văn hóa.
Tại sao chúng ta chọn Hàn Quốc?
Quay lại với bản đề án của HAIDEP (Hàn Quốc), những giải thích cho lí do vì sao làm quy hoạch hai bên bờ sông và cải tạo sông Hồng mà đề án đã đưa ra như: sông Hàn và sông Hồng có cùng chế độ lũ (không có số liệu hay nghiên cứu khoa học cụ thể nào về thủy văn xác nhận), đều có vị trí nằm ở trung tâm thành phố, có cùng nền văn hóa châu Á…
Có thể nhận thấy những giải thích trên rất mơ hồ, chung chung, không thể hiện sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc và cụ thể, mà để hiện thực hóa đề án này thì giải quyết vấn đề thủy văn, môi trường là khó khăn và phức tạp nhất (nếu trong trường hợp đề án được phê duyệt và thực hiện).
Bên cạnh đó, Hàn Quốc từ trước đến nay chưa bao giờ là một quốc gia được công nhận về quy hoạch đô thị trên thế giới.
Hãy thử nhìn tổng quát quy hoạch thủ đô Seoul, dễ dàng nhận thấy một không gian đô thị lộn xộn, thiếu khoảng xanh, một kiểu quy hoạch xây dựng ăn xổi, ứng phó, có sao xây nấy, không có sự nghiên cứu tổ chức về không gian.
Hàng loạt chung cư cao tầng ven sông như những cây thập giá đóng xuống “nghĩa địa” nhà bên trong thành phố.
Không ảnh một khu ven sông Hàn thuộc trung tâm thủ đô Seoul.
Không ảnh một khu vực trung tâm thủ đô Seoul.
“Hàng rào” chung cư cao tầng bên sông Hàn (Seoul-Hàn Quốc).
Chất lượng sống cao không phụ thuộc vào việc sống ở những căn hộ sang trọng trên các chung cư cao tầng. Chất lượng sống thể hiện ở mức độ tiếp xúc với cảnh quan thiên nhiên “gần” hay “xa”, “nhanh” hay “chậm”.
Hãy tưởng tượng “hàng rào” chung cư cao tầng mọc lên bên sông Hồng, chúng không những cản trở những khu dân cư bên trong thành phố tiếp cận bình thường và bình đẳng với dòng sông, mà hơn thế nữa, chúng sẽ làm bế tắc quy hoạch phát triển và mở rộng Hà Nội trong tương lai.
Liệu một mô hình đô thị như Seoul có thể lấy làm “khuôn mẫu” cho Hà Nội? Hàn Quốc trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị, ở giai đoạn còn đang “chập chững”.
Họ đã được các chuyên gia, thực chất là thuộc các tập đoàn tư bản của những nước phát triển “vẽ” cho những “chiếc bánh” cao tầng giống như họ đang “vẽ” cho chúng ta bây giờ.
Đơn giản là vì nhà cao tầng, nếu bán hoặc cho thuê mặt bằng từng căn hộ, sẽ mau chóng thu hồi vốn và đem lại lãi suất cao. Tất cả vì mục đích lợi nhuận chứ không phải vì chất lượng cuộc sống đô thị.
Hà Nội trong tương lai sẽ có quy hoạch mở rộng và phát triển thủ đô. Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh nhìn ra thế giới. Có rất nhiều bài học về vấn đề đô thị của các nước phát triển đáng để học tập.
Hi vọng các cấp lãnh đạo, các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư làm công tác quản lí, có những quyết định đúng đắn và sáng suốt để những thế hệ sau của thủ đô Hà Nội không phải gánh chịu những hậu quả của cha anh họ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet