Tây Hồ, Hà Nội: "Mập mờ" dự án xây dựng nhà ở khiến dân bức xúc
Nhiều người dân kiến nghị, trong quá trình thu hồi hơn 10.000m2 đất, chủ đầu tư không đưa ra được phương án đề bù tổng thể, còn thuê côn đồ doạ nạt người dân; chính quyền cưỡng chế không đúng pháp luật…
Đất canh tác hơn 20 năm "biến" thành đất hoang
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh (tổ 55, cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), từ năm 1972 đến 1987 hầu hết những gia đình chuyển về đây sinh sống đều là bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ ngành giao thông.Khi chuyển về khu vực này sinh sống, khu đất còn là một bãi hoang, không có điện, nước, cỏ lau um tùm. Sau đó, người dân khai hoang, làm nhà và phần đất còn lại thì canh tác, trồng rau và trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ…
Công văn của Cty CP Đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải yêu cầu các hộ dân thu hoạch cây cối, hoa màu trên đất, trong đó có nội dung: "... Công ty không có trách nhiệm bồi thường bất kỳ hộ gia đình hoặc cá nhân nào" ?. (ảnh: Đạt Lê). |
Ông Trần Quốc Trường (tổ 55, cụm 9, phường Phú Thượng) nói: "Khi chúng tôi về ở khu đất này, cuộc sống của cán bộ, nhân viên và các hộ gia đình khó khăn nên chúng tôi tự tay san lấp khu đất trũng để xây nhà. Trồng cây, canh tác trên mảnh đất hoang hoá để mưu sinh… Đến nay, phía chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở lại “biến” đất vườn canh tác của các hộ gia đình thành đất vô chủ?”.
Được biết, tháng 7.2008, TP. Hà Nội có quyết định thu hồi 11.267m2 đất tại khu vực này để giao cho Cty CP Đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải (Cty GTVT) để đầu tư xây dựng khu nhà ở cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Tuy nhiên, từ khi có quyết định thu hồi đất phía, Cty GTVT liên tục xúc tiến để GPMB khu đất của các hộ dân nhưng không thành.
Bà Hồ Thị Viễn (60 tuổi) người dân khu vực bức xúc: “Khi GPMB Cty GTVT không họp dân công khai, tự áp đặt kê tài sản trên đất và diện tích đất để thu hồi của dân. Thậm chí, trước đó phía công ty còn thuê côn đồ đến uy hiếp, đe doạ người dân chặt phá cây cối để GPMB… Do đó, người dân và phía chủ đầu tư càng phát sinh mâu thuẫn”.
Dự án... “mập mờ” ?
Người dân khu vực bất bình về việc phía chủ đầu tư dự án chưa đưa ra được phương án đền bù nhưng chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế.(ảnh Đạt Lê). |
Theo các hộ dân sinh sống nơi đây cho biết, năm 2003 người dân đã có gửi đơn xin cấp đất. Ngày 12.9.2003, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Công văn số 4047 gửi UBND TP Hà Nội về việc xin lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở cán bộ công nhân viên (CBCNV), trong công văn nêu rõ: “Để khắc phục khó khăn về nhà ở cho CBCNV trong ngành, Bộ GTVT xin trân trọng đề nghị UBND TP cho phép lập dự án xây dựng nhà ở...”.
Vườn tược, cây cối tan hoang sau buổi cưỡng chế... (ảnh Đạt Lê). |
Công văn trên căn cứ vào Chỉ thị liên tịch số 10/2003/CT-LT ngày 18.4.2003 về việc giải quyết nhà ở CBCNV trong ngành GTVT; căn cứ vào chỉ thị trên thì việc tiến hành xây dựng nhà ở cho CBCNV là những trường hợp đang khó khăn về nhà ở (không có nhà hoặc quá chật chội)… trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở (nếu có) phải đảm bảo tính công khai dân chủ…
Điều đáng nói, theo các hộ dân, thực tế dự án nhà ở tại cụm 9, phường Phú Thượng chỉ có một tòa nhà chung cư cao 11 tầng và có 12 suất phân lô nhà vườn. Ông Phương Công Sơn, người dân khu vực đặt ra câu hỏi: “Chiểu theo chỉ thị liên tịch trên của bộ GTVT thì không biết những lô liền kề nhà vườn trên sẽ chia cho cán bộ nào khó khăn về nhà ở của ngành GTVT hay là phần lô để bán với giá hàng tỷ đồng ? ”.
Nói về phương án đền bù GPMB và tái định cư của dự án, các hộ dân cho biết, đến thời điểm hiện tại, người dân nhiều lần yêu cầu phía Cty GTVT đưa ra phương án đền bù tổng thể, công khai. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không hề đưa ra được một phương án cụ thể nào (?).
“Trong khi phía cty chưa có một phương án đền bù cụ thể nào; nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cấp chính quyền lại đồng thuận với Cty GTVT đưa ra văn bản thúc ép, ban hành quyết định cưỡng chế đối với nhiều hộ dân?”- bà Nguyễn Thị Minh bức xúc.
Trước những bức xúc của người dân, PV có liên hệ gặp ông Nguyễn Phúc Quang - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ để làm rõ vụ việc, ông Quang nói: “Vấn đề này phải xuống UBND phường Phú Thượng, phường mới nắm rõ...”. Tuy nhiên, khi PV tìm gặp ông Nguyễn Thanh Tịnh - Chủ tịch UBND phường Phú Thượng; với lý do “phải tiếp đoàn Kiểm toán nhà nước” ông Tịnh từ chối khéo: “Mọi hồ sơ liên quan đến vụ việc phường đã báo cáo lên quận. PV muốn tìm hiểu thì lên Ban bồi thường GPMB”.
PV tiếp tục gặp ông Nguyễn Văn Duẩn - Trưởng Ban bồi thường GPMB, ông Duẩn lại đưa ra lý do: Việc này phải liên hệ với văn phòng UBND quận, khi lãnh đạo có chỉ đạo thì chúng tôi mới có thể cung cấp được những thông tin về vụ việc”...
Các cấp chính quyền quận Tây Hồ cố tình đùn đẩy trách nhiệm, vòng vo giải quyết như vậy thì có lẽ những bất bình của người dân khu vực này sẽ còn tiếp tục kéo dài.
(Theo Lao động)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet