Tất tần tật những điều cần biết về đất lưu không
“Đất lưu không” không phải là khái niệm được quy định trong văn bản pháp luật nhưng được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Vậy đất lưu không là đất gì? Mục đích sử dụng ra sao và đất này do ai quản lý?
- 1. Đất lưu không là gì?
Đất lưu không có thể hiểu là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều… Phần đất này nằm trong quy hoạch làm đất để phục vụ công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, điện mà Nhà nước chưa sử dụng đến nên hiện bỏ không.
Nói cách khác đất lưu không là đất công cộng và do Nhà nước quản lý. Khi Nhà nước chưa sử dụng đến quỹ đất này thì người dân được tạm thời sử dụng, nhưng sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Nếu người dân có nhu cầu thì có thể tạm thời sử dụng phần diện tích đất lưu không. Tuy nhiên, cần phải làm tường trình trong đó thể hiện nhu cầu sử dụng tạm thời đất lưu không của cá nhân/ gia đình. Sau đó gửi văn bản này tới UBND nơi đang có đất cùng với cam kết khi bị thu hồi đất sẽ không được bồi thường. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì việc sử dụng phần đất lưu không của người dân là hợp pháp.
Đất lưu không có thể hiểu là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều… Ảnh minh họa
- 2. Quy định về việc sử dụng đất lưu không
Căn cứ Điều 157 Luật Đất đai 2013, quy định về việc sử dụng phần đất lưu không như sau:
- Việc sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải bảo đảm kết hợp khai thác cả phần trên không và trong lòng đất, bố trí kết hợp các loại công trình trên cùng một khu đất nhằm tiết kiệm đất và phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan về bảo vệ an toàn công trình.
- Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật. - Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình, chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình; trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu UBND cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý.
- 3. Quy định xử phạt hành vi chiếm dụng đất lưu không
Nếu không được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc tự ý lấn, chiếm, sử dụng đất lưu không được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều người dân, doanh nghiệp cố tình làm ngơ, lấn chiếm đất lưu không để trồng trọt, mở hàng quán kinh doanh, thậm chí là xây nhà trái phép.
Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, hành vi lấn chiếm đất không thuộc sở hữu cá nhân sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm sẽ buộc phải trả lại đất đã lấn, chiếm đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Linh Phương (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet