Tăng quyền cho chủ đầu tư trong quá trình đấu thầu
Theo dự thảo Luật Đấu thầu, chủ đầu tư có thêm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu. Tuy nhiên, điều này đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Sáng 7-8/4, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều luật của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai... Trong số 5 nội dung chính của dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu gồm bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng, xử lý vi phạm trong đấu thầu thì hai nội dung chỉ định thầu và phân cấp trong đấu thầu gây nhiều tranh luận.
Theo dự thảo Luật Đấu thầu, chủ đầu tư sẽ được trao nhiều quyền hơn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dự thảo Luật Đấu thầu phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư trong việc phê duyệt hồ sơ, xử lý tình huống trong đấu thầu. Chủ đầu tư có quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu.
Các đại biểu ở các tỉnh cho hay, trên thực tế, có những chủ đầu tư là hiệu trưởng trường cấp 3, giám đốc sở y tế… chưa thực sự có kiến thức chuyên môn sâu về xây dựng cơ bản. Ông Phùng Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, tỉnh Bắc Giang đề xuất, khi chủ đầu tư có kiến thức chuyên môn không vững thì không nên phân cấp quá mạnh cho họ để tránh thất thoát.
Bởi khi trao nhiều quyền cho chủ đầu tư, dự án càng lớn, quy mô càng to thì vai trò của chủ đầu tư càng nhiều. Điều này dễ dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước. Cụ thể, tại một tỉnh phía Bắc, có dự án nằm trong sân nửa bên này thuộc quyền sở hữu của Ủy ban nhân dân huyện, nửa bên kia thuộc quyền huyện ủy, dẫn đến hai bên tranh giành nhau không ai nhường ai.
Ông Nguyễn Lâm Thao, phòng tài chính thương mại thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hải Dương cho rằng, cần kiểm tra năng lực chủ đầu tư rồi mới phân quyền cho họ để tránh tình trạng chạy theo lợi nhuận. Ngoài ra, vị đại biểu này còn đề xuất nên ưu tiên cho các gói thầu có quy mô nhỏ. Bởi theo ông Thao, ở các tỉnh, gói thầu có quy mô nhỏ chiếm tới 70%. Việc lập báo cáo kế hoạch, tờ trình theo quy định chung rất mất thời gian. "Theo tôi, cần có những quy định cụ thể và ưu tiên cho gói thầu có quy mô nhỏ như giảm bớt các trình tự lập thủ tục dự án làm sao để đơn giản nhất", ông Thao nói.
Đứng về khía cạnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho hay, hiện quyền lợi của chủ đầu tư và nhà thầu không tương xứng. Trong khi chủ đầu tư được hưởng nhiều quyền lợi thì nhà thầu chịu nhiều sự ràng buộc như chịu lãi suất, cam kết... Ông Hiệp đưa ra ví dụ minh họa về xây dựng một công trình trọng điểm quốc gia, nhà thầu phải "vắt chân lên cổ" để hoàn thành kịp chào mừng Apec nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán xong. Trong khi chủ đầu tư đã "yên vị" không còn trách nhiệm thì nhà thầu lao đâo. "Nhiều nhà thầu muốn làm việc với công ty nước ngoài vì có thể yên tâm tiền tươi, thóc thật. Tôi cho rằng cần hạn chế bớt quyền của chủ đầu tư để phân đều cho các nhà thầu", ông Hiệp nói.
Ngoài ra, cũng theo dự thảo Luật đấu thầu, giá định mức chỉ định thầu như sẽ bị bãi bỏ. Các gói thầu mua sắm các loại vật tư, dây chuyền công nghệ... kén chọn nhà thầu sẽ được chỉ định thầu thay vì các gói thầu có mức giá từ 100 triệu đến 1 tỷ theo luật cũ. Bởi nhiều Bộ ngành cho rằng, ngưỡng chỉ định thầu theo quy định địa phương thấp, không phù hợp với tình hình biến đổi thị trường
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Xuân Đào, Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch đầu tư, cho rằng, chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong dự án thì họ cũng phải được giao quyền hạn nhất định. Những năm trước đây, cơ quan chức năng tiến hành tiền kiểm là chủ yếu và đã tạo ra được những hiệu quả không nhỏ. Song thực tế cho thấy, quá trình tiền kiểm có thể kiểm soát trước nhiều tiêu cực nhưng lại chịu vướng mắc nhiều thủ tục rườm rà làm chậm quá trình giải ngân và dự án bị trì trệ. Ông Đào cho hay, khi phân cấp mạnh hơn không có nghĩa là buôn trôi thả nổi quyền cho chủ đầu tư mà thực tế vẫn có quá trình hậu kiểm của cơ quan giám sát.
Theo Luật Đấu thầu cũ, những dự án từ 100 triệu đến 1 tỷ có thể được chỉ định thầu. Trong khi các doanh nghiệp "kêu trời" vì cho rằng hạn định như vậy còn thấp thì ngân hàng thế giới khuyến cáo mức giá đó là quá cao. "Bởi vậy, theo tôi, vấn đề chỉ định thầu nên cân nhắc và cần có ý kiến từ chính phủ", ông Đào cho hay.
Ông Cao Văn Bản, Vụ trưởng vụ giám sát thẩm định đầu tư cho hay, khúc mắc của các đại biểu sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu và trình lên Quộc hội trong tháng 5 tới.
Theo VnExpress
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet