Tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về một số giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, xuất khẩu tài nguyên cát.
Cụ thể, cần thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu khoáng sản thô (bao gồm cả cát); chỉ xuất khẩu các loại sản phẩm đã qua chế biến sâu, có giá trị. Tiếp tục xuất khẩu sản phẩm cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc đã qua sơ chế nhưng đã ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài trước ngày 15/9/2017, phù hợp với các quy định của pháp luật về xuất khẩu hiện hành.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có doanh nghiệp xuất khẩu cát trắng silic, cát vàng làm khuôn đúc với các đối tác nước ngoài) tổ chức kiểm tra thực tế và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác các hợp đồng đã ký (thời gian, khối lượng cát xuất khẩu); đồng thời xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát xây dựng. Ảnh: Báo Hải Quan |
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể về cung cầu cát trắng silic trong nước và trên thế giới; khẩn trương điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Xây dựng thống nhất với Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với quy định; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế chính sách về thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý tài nguyên cát. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan nghiên cứu tổng thể quy hoạch các loại khoáng sản, trong đó có cát.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, do số lượng và trữ lượng các mỏ cát hiện nay đang dần cạn kiệt, một số địa phương có nhu cầu sử dụng cát lớn nhưng không có nguồn cát tại chỗ; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác quản lý khai thác sử dụng cát và tài nguyên, chưa có biện pháp ngăn chặn đầu cơ, tích trữ cát xây dựng trái phép... dẫn đến giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói.
Đơn cử, giá cát, sỏi tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, trong thời gian qua luôn có sự biến động do tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu này. Theo đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng, hiện nguồn khai thác cát được cấp phép hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu xây dựng tại các đô thị lớn, các vùng kinh tế phát triển cần đẩy mạnh hạ tầng giao thông.
Số lượng cát được sử dụng dự báo sẽ ngày càng tăng cao hơn, đạt 130 triệu m3/năm vào năm 2020. Trong khi 2 năm trước đây, nhu cầu cát xây dựng còn ở mức khoảng 92 triệu m3. Vì vậy, dự kiến từ năm 2016 - 2020 cần khoảng 2,1 - 2,3 tỉ m3 cát để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỷ m3.
Điều đáng lo là mỗi năm có khoảng 35 - 40 triệu m3 cát được sử dụng vào các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc (hay gọi cách khác là cát tặc, cát lậu). Với mức độ sử dụng cát như hiện nay, rất có thể đến năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ công trình xây dựng.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet