Sửa ngay 8 thói quen dọn dẹp nhà cửa bạn vẫn làm mỗi ngày nhưng "sai toét"
Mục đích của việc dọn dẹp nhà cửa là để giữ cho không gian sống sạch sẽ, ngăn nắp nhưng đôi khi vì làm không đúng cách, bạn có thể vô tình khiến ngôi nhà của mình trở nên bẩn hơn. Có những thói quen dọn dẹp rất phổ biến, tưởng chừng như hết sức bình thường nhưng lại là những sai lầm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và gia đình.
Ngay cả những bà nội trợ giàu kinh nghiệm nhất cũng có thể mắc phải một số sai lầm rất phổ biến trong chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa. Nếu làm không đúng cách, bạn sẽ mất công dọn dẹp mà nhà bẩn vẫn hoàn bẩn, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe hơn. Theo Bright Side, dưới đây là những thói quen dọn nhà sai lầm mà bạn nên sửa ngay:
1. Quét nhà
Từ bao đời nay, dùng chổi quét là cách nhanh chóng, phổ biến nhất mà đa số chúng ta vẫn làm để dọn sàn nhà. Nhưng thực ra, nếu chỉ quét nhà không thôi thì bạn mới chỉ loại bỏ được 1/10 bụi bặm, chất bẩn có trong nhà. Khi bạn quét nhà, các hạt bụi sẽ bay vào không khí, lưu lại trên đồ nội thất trong khi các hạt mài mòn nhỏ khác lọt vào lớp phủ của sàn, lâu ngày sẽ gây ra những vết ố, xước, xuống màu. Đó là lý do tại sao hút bụi được đánh giá là hiệu quả hơn so với quét nhà. Hãy hút sạch bụi, sau đó lau nhà, quá trình này sẽ làm sạch một cách kỹ lưỡng hơn, giữ cho nhà bạn sạch sẽ trong một thời gian tương đối dài.
2. Rửa thớt bằng nước rửa bát
Về mặt lý thuyết, nước rửa bát có thể giúp loại bỏ cặn thức ăn bám trên thớt một cách hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, những vết xước, vết cắt, thái trên bề mặt thớt cũng chứa những mảnh vụn thức ăn siêu nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Nếu bạn dùng nước rửa bát, các chất hóa học sẽ thấm vào những mảnh vụn thức ăn này, biến chất rồi sau đó tiếp tục tiếp xúc với các loại thực phẩm bạn cắt, thái trên thớt ở lần sử dụng tiếp theo. Cách tốt nhất để làm sạch bề mặt thớt là sử dụng oxy già.
Ngoài ra, nhiều người tin rằng thớt nhựa vệ sinh hơn so với thớt gỗ nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, thớt nhựa chỉ an toàn trong thời gian đầu mới sử dụng, còn sau khi các vết xước xuất hiện, đó sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Trong khi đó, dù cấu trúc vật liệu xốp hơn, gỗ là môi trường khá khắc nghiệt đối với vi khuẩn nên vệ sinh hơn, an toàn hơn cho sức khỏe của cả gia đình.
3. Đổ bã cà phê, nước luộc mì/miến/phở xuống bồn rửa
Hành động này là một trong những nguyên nhân gây tắc bồn rửa chén bát phổ biến nhất trong gia đình. Khi đổ bã cà phê hay nước luộc mì/miến/phở xuống bồn rửa, các chất béo khó hòa tan sẽ tích tụ trong đường ống, lâu ngày gây tắc nghẽn.
4. Gấp gọn chăn gối ngay sau khi ngủ dậy
Đây có thể là tin vui cho những người cảm thấy việc dọn giường, gấp gọn chăn gối vào mỗi buổi sáng ngủ dậy là một “cực hình”. Thực tế, trên mọi chiếc giường đều có mạt bụi sinh sống. Mạt bụi là những sinh vật cực nhỏ, tồn tại nhờ ăn các tế bào chết trên da người. Hơi ấm và độ ẩm là môi trường lý tưởng cho chúng sinh sôi. Khi bạn mới ngủ dậy, mồ hôi trên cơ thể có thể ngấm vào chăn gối, nếu bạn gấp gọn ngay lập tức thì sẽ tạo ra “bữa tiệc" thực sự cho mạt bụi. Sự sinh sôi quá mức của mạt bụi có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc. Vì vậy, đừng vội dọn giường ngay sau khi thức giấc. Thay vào đó, hãy cứ để chăn gối thông thoáng, khô ráo rồi mới gấp. Nếu giường có ánh nắng chiếu vào thì càng tốt hơn.
5. Luôn mở rèm
Mở rèm cho ánh sáng, không khí tự nhiên lưu thông trong nhà là tốt, nhưng bạn không nên để rèm mở suốt cả ngày, đặc biệt là rèm ở những vị trí có nắng chiếu trực tiếp trong thời gian dài. Nếu bạn muốn giữ gìn đồ nội thất và sàn gỗ được lâu bền nhất, đừng quên kéo rèm cửa vào những thời điểm nắng gắt trong ngày. Tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể khiến đồ nội thất và sàn gỗ nhanh chóng trở nên bạc màu, hư hỏng.
>> Mẹo giữ cho sàn gỗ Laminate luôn bền đẹp như mới
6. Treo khăn trong phòng tắm
Khăn tắm, khăn rửa mặt hay khăn lau tóc, lau tay treo trên móc trong phòng tắm có thể trở thành môi trường lý tưởng để nấm, mốc và vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng. Các điều kiện độ ẩm, nhiệt độ và khí oxi trong phòng tắm đều thích hợp cho các tác nhân gây hại này phát triển. Để bảo vệ cơ thể, bạn cần thay khăn tắm 2 ngày/lần và đừng quên phơi khô sau khi sử dụng.
>> Những cách đơn giản giúp giảm độ ẩm trong phòng tắm
7. Đổ bã trà xuống bồn cầu
Nhiều người có thói quen đổ bã trà xuống bồn cầu và xả trôi. Nếu thường xuyên làm vậy, bề mặt bồn cầu lâu ngày sẽ bị ố vàng do chất tannin có trong lá trà. Rất khó tẩy sạch những vết ố kiểu này để trả lại cho bồn cầu màu trắng nguyên bản.
8. Phun trực tiếp chất tẩy rửa lên bề mặt đồ dùng
Khi lau chùi đồ đạc, rất nhiều người thường phun trực tiếp chất tẩy rửa lên bề mặt đồ đạc hay mặt gương, kính. Việc này sẽ tạo ra một lớp màng mỏng dung dịch tẩy rửa mà mắt thường không nhìn thấy được, không những khó tẩy sạch hoàn toàn mà còn có thể khiến bụi bẩn bám vào nhiều hơn. Tốt nhất là bạn hãy thoa chất tẩy rửa lên giẻ lau hoặc miếng bọt biển trước, sau đó mới tiến hành vệ sinh đồ đạc.
Hương Liên
>> Tự chế công thức đánh bay vết bẩn, dầu mỡ vừa rẻ tiền, vừa ít độc hại
>> 8 bí kíp dọn nhà đơn giản, tiết kiệm chi phí với nước xả vải
>> Cách khử mùi sơn trong nhà bằng những nguyên liệu rẻ tiền
>> Điểm mặt 7 vấn đề thường gặp trong bài trí căn hộ nhỏ và cách khắc phục
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet