Sử dụng quỹ đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào?
Được Tp.HCM "đặt hàng" đưa ra phương án tối ưu nhất về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, các chuyên gia hàng không nhắm đến phần đất trống phía Bắc đang có sân golf.
Ngày 25/6, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa Tp.HCM cho biết, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Tp.HCM đã "đặt hàng" tổ nghiên cứu khoa học lập đề án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tổ này do các chuyên gia và cán bộ hàng không thành lập gồm: ông Lê Trọng Sành (nguyên trưởng phòng quản lý bay, sân bay Tân Sơn nhất), ông Phan Tương (nguyên giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất), cựu phi công Nguyễn Thành Trung, TS Trần Tiến Anh (chủ nhiệm môn Kỹ thuật hàng không - trường Đại học Bách khoa), kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn… Trường Đại học Bách khoa chủ trì đề án và chủ nhiệm là ông Nguyễn Thiện Tống.
Nhóm chuyên gia sẽ tiến hành thu thập dữ liệu, luận chứng khoa học để thực hiện đề án như một nghiên cứu khoa học, cuối tháng 7 sẽ báo cáo thành phố và làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng.
Theo ông Tống, các thành viên của tổ nghiên cứu cơ bản thống nhất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về hướng Bắc, sử dụng quỹ đất đang là sân golf.
Ông Tống nói: "Để chọn ra phương án thuận lợi nhất, chúng tôi sẽ cân nhắc ưu, nhược điểm của từng phương án. Việc này cũng giống như đánh cờ, dù có nhiều cách đi nhưng phải chọn nước cờ hay nhất".
Sân golf 157 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Mạnh Tùng |
Cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho biết: "Có phương án mở rộng sân bay về phía Nam nhưng đất đâu mà mở. Theo tôi, phương án mở rộng sân bay về phía Bắc, tức vị trí sân golf là hợp lý nhất do đây là khu đất trống".
Về việc mở rộng sân bay về phía Bắc, hiện có 2 phương án là: xây thêm đường băng số 3 hoặc chỉ xây thêm nhà ga, bãi đỗ và thay đổi cách điều hành sân bay để đạt hiệu quả nhất.
Ông Trung nói, bởi phương án xây đường băng số 3 rất tốn kém và phải giải tỏa nhiều hộ dân gần sân bay nên nhóm nghiên cứu đang thiên về phương án thứ 2. Thực ra, 2 đường băng cất cánh và hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất còn thừa công suất rất nhiều. Vấn đề là cần điều hành thế nào để tăng khả năng cất, hạ cánh, tránh tắc nghẽn và để hoạt động hàng không có lợi nhất.
Cũng theo phân tích của cựu phi công, vì máy bay không thể cất hạ cánh song song nên việc điều hành 2 đường băng hiện chỉ có tác dụng như 1 đường băng. Giãn cách giữa các chuyến 10 miles (hơn 16km) là quá dài, khiến 5 phút mới có một chuyến cất hạ cánh.
Ông Trung nói: "Vì vậy, cần điều hành thế nào để 2 đường băng có thể cất hạ cánh song song, giãn cách giữa các chuyến được giãn cách xuống còn 5 miles (hơn 8km). Nếu làm được số chuyến cất hạ cánh mỗi giờ sẽ tăng từ 12 lên 30 chuyến".
Ông Lê Trọng Sành cũng ủng hộ không làm đường băng số 3 mà chỉ cần xây bãi đỗ, nhà ga ở phần đất phía Bắc. Ông đưa ra phương án điều hành để 2 đường băng hiện hữu có thể cất hạ cánh song song, hạn chế việc máy bay khi chờ hạ cánh phải bay lòng vòng trên không như hiện nay...
Ông Sành cho hay, không chỉ tính toán phương án hiệu quả mở rộng Tân Sơn Nhất, các nhà khoa học, chuyên gia còn đưa ra phương án kết nối sân bay với hạ tầng giao thông phía ngoài, nhằm hạn chế tối đa tình trạng kẹt xe, tắc đường tại khu vực.
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên phía Bắc có thể mở rộng thêm 2 đường nhánh từ đường Quang Trung và Trường Chinh vào đây. Từ đó, ngoài hướng đường Trương Sơn hiện hữu, sân bay sẽ có 3 hướng ra vào, giúp giải tỏa tình trạng ùn tắc ngoài sân bay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet