Sử dụng đất sai mục đích bị phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng.
Theo dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của Bộ TN&MT: Những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sẽ bị phạt đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Cũng tại dự thảo này, tùy mức độ của hành vi vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất khung mức phạt từ 1 triệu đến 500 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.
Cụ thể, đối với hành vi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp; chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ao, hồ, đầm, nuôi trồng thủy sản sử dụng nước mặn… mà không được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cho phép sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng đối với cá nhân nếu vi phạm quy thành tiền dưới 60 triệu đồng đối với đất nông nghiệp, dưới 300 triệu đồng đối với đất phi nông nghiệp.
Sử dụng đất sai mục đích bị phạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN) |
Phạt tiền từ 50-200 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm quy thành tiền từ 60 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng đối với đất nông nghiệp; và từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng đối với đất phi nông nghiệp; Phạt 200-350 triệu đồng đối với cá nhân nếu vi phạm quy thành tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng đối với đất nông nghiệp, từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng đối với đất phi nông nghiệp.
Đặc biệt, phạt tiền từ 350-500 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm quy thành tiền từ 500 triệu đồng trở lên đối với đất nông nghiệp, từ 3 tỷ đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
Tương tự, hành vi chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác; chuyển từ đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp theo quy định phải nộp tiền sử dụng đất… cũng bị phạt từ 5-500 triệu đồng tùy hậu quả của hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng đất không đúng mục đích không thuộc các trường hợp trên, tùy mức độ hành vi vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-150 triệu đồng.
Riêng đối với tổ chức có hành vi vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt tiền gấp 2 lần mức phạt cá nhân. Như vậy, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tối đa đến 1 tỷ đồng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt đối với mỗi vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet