"Sóng lớn" của cổ phiếu BĐS đã nổi, nhưng đó có thể chỉ là chiêu "làm hàng" của những tay "già giơ, lão luyện". Không cẩn trọng, sẽ có nhiều người "chết chùm" nếu công ty phá sản...

Công ty lỗ nặng cổ phiếu vẫn... tăng trần

Ngay sau khi có thông tin hạ lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng, chính sách tiền tệ nới lỏng, có hạng mục cho vay mua BĐS như: Mua nhà trả góp, đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở để bán, cho thuê, xây dựng các công trình dự án trong khu đô thị khiến cổ phiếu BĐS liên tục tăng trần. Thậm chí, chỉ trong vòng một tuần đã có cổ phiếu tăng tới 20-30% đây là một bất ngờ mang tính rủi ro cao vì thực tế thị trường BĐS giao dịch vẫn trầm lắng, nhiều công ty vẫn nợ nần chồng chất, chưa có động thái cụ thể để tháo gỡ khó khăn.

"Sóng" mua cổ phiếu BĐS: Có nên "tát nước theo mưa"? | ảnh 1
Chứng khoán vẫn tiềm ẩn sự rủi ro lớn

Nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, những "con sóng" của TTCK chủ yếu lại nhắm vào các công ty BĐS không bị lỗ có giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá. Cụ thểỏ như DXG, CDC, LCG, SAM, PXL hay cổ phiếu của DN bất động sản lớn nhưng có quỹ đất và sản phẩm nhà đất hợp lý như DIG, TDH, SC5, KDH, NTB và HAG, thì sự tăng giá này là hợp quy luật. Tuy nhiên, điều đáng nói, trong đợt tăng giá này nhóm BĐS, cổ phiếu của SJS (Cty Cổ phần phát triển đô thị Sông Đà) QCG (Cty Quốc Cường Gia Lai), IJC (Cty hạ tầng kỹ thuật) là những công ty công bố mức nợ "khủng" cũng đồng loạt tăng giá theo trào lưu.

TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu Kinh tế- Xã hội Hà Nội) cho rằng: "Để nhận dạng doanh nghiệp này, NĐT cần đánh giá xem dự án đã được triển khai đến giai đoạn nào và nhắm vào phân khúc nào. Những doanh nghiệp có quỹ đất xây nhà cho người thu nhập khá nhưng chưa khởi công xây dựng móng thì chưa chắc đã tận dụng được cơ hội nới lỏng tín dụng lần này. Hay doanh nghiệp đầu tư chung cư mà giá không có khả năng cạnh tranh, thanh khoản đầu ra kém cũng sẽ khó tiếp cận được vốn vay hoặc nếu có vay được để triển khai thì thu hồi vốn cũng khó khăn.

"Phần thưởng" của nới lỏng tín dụng BĐS lần này chỉ dành cho những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh thực sự. Nếu NĐT vẫn chỉ dựa vào cảm quan thiếu sự phân tích kỹ càng, vung tiền vào mua những cổ phiếu của các công ty đang chồng chất khó khăn, làm ăn thua lỗ sẽ gặp rủi ro lớn".

"Say bạc" dễ cháy túi

Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, những lý do cơ bản để dòng tiền đầu cơ chảy vào cổ phiếu BĐS là vì sau làn sóng cổ phiếu ngân hàng, sẽ đến lượt cổ phiếu BĐS thu hút dòng tiền. Lập luận này không dựa trên yếu tố cơ bản mà thuần túy đầu tư mà nương theo đám đông. Khi mua vào những cổ phiếu BĐS, mức cổ tức kỳ vọng của nhà đầu tư khoảng 10 - 20% rồi sẽ rút ra khỏi các cổ phiếu này.

Đây là một cách đánh nhanh, thắng nhanh như đánh cổ phiếu ngân hàng trong đợt sóng vừa qua của những "đội lái", những NĐT có kinh nghiệm. Song, trong mỗi đợt sóng, có  NĐT nào đó thắng bao nhiêu thì cũng trên sàn cũng có người thua tương ứng. Chính vì thế, NĐT nhỏ lẻ cần phải hết sức thận trọng và cảnh giác đối với các "đội lái đánh sóng".

Nhìn nhận thực tế này, ông Phạm Kinh Luân, một chuyên gia về chứng khoán cho rằng: "NĐT biết rủi ro đấy, nhưng chơi chứng khoán như "đánh bạc" nên người ta chấp nhận "hên-xui" năm ăn-năm thua. Còn thực tế, có "đội lái" thật hay không chỉ Uỷ ban Chứng khoán mới trả lời được". Từ thực tế của thị trường BĐS, một chuyên gia khẳng định: "Phải có thực mới vực được đạo, không ai uống nước lã cầm hơi mà sống được đâu. Cổ phiếu của công ty kinh doanh BĐS có nhiều loại lắm, NĐT chọn hàng để mua".

Rõ ràng, với giá trị tài sản thì không ít cổ phiếu BĐS trị giá nhỏ hiện nay quá rẻ tuy nhiên, so với số tiền thực của các công ty chỉ chiếm tối đa 20-30% giá trị còn lại là tiền vốn ngân hàng thì cổ phiếu ấy lại chưa thực sự hấp dẫn. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại đặt câu hỏi: Liệu liều “thuốc tiên” hạ lãi suất từ NHNN có thể đẩy tăng giá cổ phiếu của những doanh nghiệp BĐS vốn đã suy sụp đến mức khó tìm được lối ra, trong bối cảnh hiện nay? Chính vì lẽ đó, NĐT cần cẩn trọng khi tìm kiếm lợi nhuận cao ở nhóm cổ phiếu BĐS bởi mặt trái của nó sẽ là... cháy túi và khánh kiệt.

Thời cơ...mạo hiểm

Lãnh đạo một Công ty BĐS cho biết: Mỗi tháng hoạt động xây lắp của Công ty phải trả chi phí lãi vay 18 tỷ đồng. Vấn đề là sức mua trên thị trường rất yếu, nên việc nới tín dụng BĐS trước tiên là có tác động tích cực đến các dự án đang xây dựng dở dang, sau đó mới đến hỗ trợ khả năng chi trả của người dân để tiêu thụ lượng căn hộ tồn kho của các doanh nghiệp. Chính vì thế, NĐT tìm mua cổ phiếu BĐS thời điểm này vẫn mang tính chất… đón trước thời cơ nhưng đầy mạo hiểm.

(Theo Nguoiduatin)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME