Sôi động thị trường BĐS tỉnh lẻ (P2): Người mua nên cẩn trọng
Dù giá bất động sản tại các tỉnh thành đang có xu hướng tăng mạnh nhưng theo giới chuyên gia tình trạng này chủ yếu do tác động của hạ tầng và chỉ diễn ra cục bộ. Do đó người mua, nhà đầu tư vẫn nên hết sức cẩn trọng khi tham gia các thị trường này.
>> Sôi động thị trường BĐS tỉnh lẻ (P1): Giá tăng chóng mặt
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản năm 2018, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản tại nhiều tỉnh, thành hiện đã có mặt bằng giá mới tăng khá cao so với khoảng 1 năm trước. Chẳng hạn, giá bất động sản tại Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tăng gấp 5 - 6 lần, tại Đà Nẵng mức tăng khoảng 25%, Cần Thơ tăng khoảng 30%, Phú Quốc tăng khoảng 35%… Đặc biệt, tại Nha Trang giá bất động sản đã tăng khoảng 100%...
Giá chào bán tại dự án Khu dân cư Nguyễn Huệ hiện đã cao
hơn 100 triệu đồng/nền so với 6 tháng trước
Từ khoảng cuối năm 2017, các tỉnh, thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh... lượng giao dịch cũng tăng đột biến, là điểm đến của nhiều chủ đầu tư bất động sản uy tín.
Tuy nhiên, theo như chúng tôi ghi nhận, không phải cứ giá bán tăng cao ở đâu thì thị trường ở đó đều tốt. Đơn cử, trên địa bàn các tỉnh Long An, Bình Dương hay Đồng Nai, mặc dù mức giá bán hiện đã chênh lệch khá lớn so với 1 năm trước nhưng thực tế lại có rất ít giao dịch thành công. Được biết, đa phần các sản phẩm bán ra đều là của giới đầu tư mua từ 1 - 2 năm trước, nay bán lại.
Điển hình là tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), dù giới đầu tư tung ra thị trường lượng sản phẩm khá lớn, giá tăng cao nhưng trong bối cảnh dự án xây cầu Cát Lái chưa đâu vào đâu và quy hoạch sân bay Long Thành còn chưa rõ nét, giao dịch thực tế tại đây khá thưa thớt.
Khách hàng chen chúc tại lễ mở bán một dự án bất động sản ở Nha Trang
Hơn nữa, việc tăng giá đất tại hầu hết các tỉnh thành đều có sự tác động lớn của hạ tầng, du lịch hoặc diễn ra cục bộ tại một vài khu vực nhất định, không phải là tình trạng chung của thị trường. Nhất là từ sau khi Quốc lộ 56 triển khai dự án kết nối sân bay Long Thành và gần đây có nhiều tập đoàn lớn như Tuần Châu, FLC... đổ về, đề xuất đầu tư nhiều dự án du lịch “khủng” thì thị trường nhà đất mới "nóng" lên.
Nhận xét về diễn biến tăng giá cục bộ ở một số tỉnh thành, ông Trần Văn Dũng, GĐ Công ty TNHH Xây dựng và quản lý BĐS Trường Phát - cho rằng, theo quy luật, sự phục hồi thị trường bất động sản tại các tỉnh bao giờ cũng chậm hơn so với các thành phố lớn. Do đó, thời điểm này khi mặt bằng giá nhà, đất tại Tp.HCM đã được đẩy lên mức khá cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn, khách hàng và các nhà đầu tư cũng dễ tiếp cận sản phẩm hơn vì giá bán chưa quá cao.
Cũng theo ông Dũng, năm 2018, thị trường bất động sản các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Nẵng... có thể sẽ sôi động và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu có ý định đầu tư ở các tỉnh thành, khách hàng cần quan tâm đến pháp lý và năng lực chủ đầu tư của các dự án và đặc biệt không nên chạy theo tâm lý đám đông.
Cẩn trọng với căn hộ officetel, condotel, hometel, serviced apartment Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cảnh báo, thị trường căn hộ khách sạn, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng (officetel, condotel, hometel, serviced apartment) hiện đang phát triển rất mạnh đồng thời có dấu hiệu cung vượt cầu. Chiếm tỷ lệ cao nhất là căn hộ condotel với khoảng 56% tổng nguồn cung, cao hơn cả nguồn cung phòng khách sạn, resort (khoảng 44%). Theo Hội Môi giới, nguồn cung phân khúc condotel hiện đã cán mốc 22.837 căn và được bán với ngưỡng giá rất cao. Cụ thể khoảng 77,7% nguồn cung căn hộ condotel đang được bán với mức giá từ 35 - 70 triệu đồng/m2. Công ty Nghiên cứu thị trường DKRA cũng dự báo, 2018 sẽ là năm khó khăn với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng do sự dư thừa nguồn cung condotel ở một số thị trường như Nha Trang, Đà Nẵng. Trong năm nay, lượng căn hộ condotel trên thị trường có thể đạt mốc 15.000 - 20.000 căn, trong khi đó, năm 2017, tỷ lệ hấp thụ phân khúc này chỉ đạt khoảng 33% (4.821 căn), bằng 55% so với năm 2016 (8.726 căn). Phần lớn các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tập trung ở thị trường các tỉnh. |
Thị trường BĐS Nha Trang tiềm ẩn nhiều dấu hiệu không minh bạch Dù hiện đang có mức độ giao dịch và thanh khoản khá cao, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản Nha Trang - Khánh Hòa tiềm ẩn nhiều dấu hiệu không minh bạch. Gần đây nhất, qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa phát hiện 8 dự án khu đô thị và 20 dự án khu biệt thự sinh thái đã bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng nhưng vẫn đang quảng cáo, rao bán rầm rộ. Việc các sàn giao dịch bất động sản không chuyên nghiệp mọc lên như nấm ở các tỉnh thành cũng là một tình trạng đáng lo ngại. Sự tham gia đông đảo của giới “cò” đất khiến thị trường nhiễu loạn, gây “sốt” ảo giá nhà đất nhiều nơi. Nếu tham gia vào thị trường, khách hàng cần tỉnh táo tránh sập “bẫy” tăng giá “ảo” của cò đất. Sở dĩ giá bất động sản bị đẩy lên quá cao chủ yếu là do các nhà đầu cơ gom hàng, đẩy giá kiếm lời, trong khi nguồn cung luôn trong tình trạng dư thừa. Thực tế, khi đến các khu đô thị mua đất nền, dù chỗ nào chủ đầu tư cũng kêu hết hàng, nhưng nếu khách nói muốn mua thì vẫn có sản phẩm ngay. Ông Đặng Viết Tú - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Nha Trang - Khánh Hòa |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet