Sổ đỏ cấp cho 'hộ gia đình' và cá nhân có gì khác biệt?
Hỏi: Phần chủ sở hữu trong sổ đỏ nhà tôi ghi là "hộ gia đình", trong khi đó, sổ đỏ của nhà hàng xóm lại chỉ ghi tên một mình ông ấy?
Tôi có nhờ một người bạn giải thích, người đó nói, nếu trong sổ ghi là "hộ gia đình" thì nghĩa là những người có tên trong cùng hộ khẩu đều là đồng sở hữu tài sản nên khi muốn bán, tôi phải nhận được sự chấp thuận của tất cả mọi người.
Còn nếu sổ đỏ chỉ mang tên một mình tôi thì tài sản đó là của riêng tôi.
Xin cho tôi biết bạn tôi nói có đúng không? Có sự khác biệt như thế nào về cách ghi này? Nếu muốn chuyển "hộ gia đình" thành "cá nhân" thì tôi phải làm những thủ tục gì?
(Hoàng Anh)
Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình và cấp cho cá nhân có một số khác biệt. Ảnh: sổ đỏ và sổ hồng
Trả lời:
Giấy chứng nhận tài sản là bất động sản được có nhiều cái tên khác nhau như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… Những loại giấy tờ này được cấp qua các thời kỳ (thường được gọi với tên sổ đỏ, sổ hồng) ghi tên các cá nhân hay hộ gia đình nhằm phân biệt hình thức sở hữu.
Loại giấy chứng nhận ghi tên cá nhân (tức ghi rõ tên của một hoặc nhiều người) thì chỉ người (những người) có tên trên giấy chứng nhận mới là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản được chứng nhận, ngoại trừ trường hợp tài sản được xác định là tài sản chung vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Thông thường, loại giấy này hay được cấp ở khu vực đô thị.
Loại giấy chứng nhận ghi tên hộ gia đình: người đứng tên trên giấy chỉ là người đại diện cho hộ gia đình đó (thường là chủ hộ). Tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình không phân biệt đã thành niên hay chưa thành niên đều có quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được ghi trên giấy chứng nhận. Cá biệt vẫn có trường hợp hộ gia đình dù chỉ có một người nhưng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức hộ gia đình. Thông thường, loại giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình thường được cấp ở khu vực nông thôn.
Luật Đất đai các năm 1993, 2003 và 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này đều có quy định về hai hình thức giấy chứng nhận nói trên.
Nếu muốn chuyển tên từ hộ gia đình sang cá nhân bạn cần thực hiện các thủ tục như sau:
Những người từ 18 tuổi trở lên và người giám hộ (của những người chưa đủ 18 tuổi) có tên trong sổ hộ khẩu đến cơ quan công chứng, chứng thực để thực hiện một trong các giao dịch dưới đây tùy thuộc sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình:
- Hợp đồng chuyển nhượng tài sản;
- Hợp đồng tặng cho tài sản;
- Văn bản xác nhận/cam kết tài sản được ghi trên giấy chứng nhận là tài sản riêng của một cá nhân trong hộ gia đình.
Sau khi văn bản giao dịch được công chứng, chứng thực, người nhận tài sản liên hệ, nộp hồ sơ tại cơ quan tài nguyên môi trường, kê khai và nộp nộp các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp).
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện để sang tên thì cơ quan tài nguyên môi trường sẽ thực hiện việc đăng ký biến động, điều chỉnh trong Giấy chứng nhận từ hộ gia đình sang cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet