Mở đầu phiên chất vấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh báo cáo kết quả thanh, kiểm tra sai phạm đất đai từ năm 2009 tới nay. Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra 882 tổ chức sử dụng đất, đã phát hiện 779 trường hợp vi phạm với mức độ khác nhau. Thành phố đã giúp doanh nhiệp tháo gỡ các thủ tục, đưa 511 dự án vào sử dụng, xử phạt hành chính hơn 100 doanh nghiệp, thu hồi đất tại 45 dự án với 828 ha.

Hà Nội đã xác định 6 nhóm giải pháp để tháo gỡ dự án như tiếp tục kiểm tra các đơn vị được gia hạn, doanh nghiệp thực hiện tốt thì được tiếp tục, nếu không thì phải thu hồi. Bên cạnh đó, kiến nghị tăng mức phạt khi để đất hoang hóa vì có doanh nghiệp sẵn sang chịu phạt vì mức phạt thấp...

Chất vấn lãnh đạo thành phố, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, UBND thành phố chỉ nêu nội dung giao việc song không rõ thời gian hoàn thành, để HĐND giám sát.

Bà Mai cũng yêu cầu làm rõ, một số dự án thuộc tỉnh Hòa Bình trước đây mới nộp ngân sách 24 tỷ đồng trong số 2.500 tỷ đồng và hồ sơ các dự án chưa bàn giao về Hà Nội. Ngoài ra, với 2 dự án Công viên hồ điều hòa Nhân Chính chưa có quyết định giao chủ đầu tư, song đã giao 13ha cho Tập đoàn Megastar lập dự án và giải phóng mặt bằng. Bà yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Thành phố và cơ quan tham mưu khi "xé rào" đối với dự án này. Dự án nhà máy xử lý rác thải Thanh Trì được giao đất cho Công ty TNHH MTV Cơ điện công trình từ năm 2001, song đến nay chưa thực hiện, cần thu hồi và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Đại biểu Trần Văn Khương cũng yêu cầu làm rõ dự án của Công ty Phát hành sách Hà Nội tại trung tâm huyện Thanh Trì đã để hoang hóa từ năm 2009 đến nay mà chậm xem xét xử lý. Trong khi, người dân muốn xây dựng nhà truyền thống của huyện.
 

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam nhận xét, công tác quản lý đất đai chưa chấp hành đúng quy định, các dự án nhà ở đa số được chỉ định thầu, thay đổi mục đích sử dụng. Ông yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan nào khi chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất, để đất nhà xã hội thành nhà thương mại, đất cho hạ tầng xã hội cũng biến thành nhà thương mại. Thực tế, việc thu hồi đất của doanh nghiệp rất phức tạp và khó khăn song khi thu hồi đất của hộ dân thì làm cương quyết thậm chí cưỡng chế.

"Tôi khẳng định các dự án này có vi phạm pháp luật, có dự án 10 năm không triển khai, chủ đầu tư quây rào cho gửi ôtô, bán bia, đất toàn ở vị trí đắc địa phía tây, trong khu Ba Đình, Hoàn Kiếm. Phải chăng có vấn đề gì ở đây, nếu chủ đầu tư đó năng lực kém hay tranh thủ bán dự án thì chúng ta có quyết liệt không?", ông Nguyễn Hoài Nam bức xúc.

Đại biểu này cũng đề nghị làm rõ, dự án nhà ở tại Hà Đông của công ty Sơn Tùng, đã có nhiều sai phạm như chủ đầu tư không đủ năng lực, huy động vốn trái phép, song thành phố vẫn cho phép tiếp tục thực hiện dự án. Dự án khác là Trung tâm y tế của Sở Công thương tại đường Hoàng Quốc Việt, hiện nay 2/3 vị trí đẹp nhất đã được liên doanh với một công ty xây nhà ở thương mại, hồ sơ đều có dấu đỏ của các sở ngành cho thấy ủng hộ việc sử dụng sai mục đích.

Trả lời các đại biểu, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, khi giao việc cho sở ngành, văn bản của thành phố đều có nêu thời gian hoàn thành. Theo ông Khanh, các dự án của tỉnh Hà Tây trước đây đều là tạm tính tiền sử dụng đất, sau này Bộ Tài chính sẽ tính toán lại. Với dự án công viên Nhân Chính ở quận Thanh Xuân, thành phố đã giao cho quận Thanh Xuân giải phóng mặt bằng và nghiên cứu quy hoạch, lập dự án. Đây là dự án chậm triển khai nên thành phố sẽ rút kinh nghiệm.

Phó chủ tịch cũng cho biết, dự án xử lý rác ở Thanh Trì có liên quan đến quy hoạch phân khu, quan điểm của thành phố là phải phù hợp quy hoạch nên buộc phải chờ. Với dự án của Công ty phát hành sách tại Thanh Trì, chủ đầu tư đã đề xuất xây chung cư, song quan điểm của Hà Nội là bác bỏ, không được xây dựng nhà ở. Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ lập hồ sơ thu hồi đất theo đúng quy định.

Chưa hài lòng, Ủy viên Ban kinh tế Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai tái chất vấn rằng, trong khi người dân rất sốt ruột khi nhiều vị trí đất vàng để hoang thì thành phố mới phê duyệt được 5 đồ án quy hoạch trong số 80 đồ án.

"Uỷ ban có nhiều việc phải làm song so với mong muốn của cử tri là rất bức xúc. Khi giải phóng mặt bằng nhà dân xong rồi lại để đó, quan điểm của tôi phải cương quyết với các dự án cố tình trây ỳ, như vậy mới đem lại mong mỏi của cử tri, nếu không sẽ khó khăn khi giải phóng mặt bằng", bà Thanh Mai bày tỏ.

Đại biểu Trần Thị Vân Nhàn, quận Hoàng Mai yêu cầu làm rõ dự án của Công ty kính mắt HN để hoang 5-6 năm ở quận Hoàng Mai. Trong khi dân muốn xây dựng công trình công ích. Ngoài ra, một số dự án theo hình thức BT tại quận này đã giải phóng mặt bằng 2 năm, song mới đây nhà đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời, Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, những doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất bị xử lý, song các dự án được thành phố cho phép chuyển đổi thì xử lý như thế nào. Ông dẫn chứng, năm 2003, đã có quy hoạch các điểm giao thông tĩnh song qua 10 năm quy hoạch này bị vỡ hoàn toàn, điểm quy hoạch đều biến thành nhà ở, trung tâm thương mại nên chúng ta đang phải trả giá là không có điểm trông xe. Ngoài ra, ông yêu cầu làm rõ 3.000m2 đất xây trụ sở phường Nhân Chính cũng biến thành nhà ở, quy hoạch bãi đỗ xe 7 tầng tại phường này cũng thành nhà ở.

"Trách nhiệm của sở Quy hoạch Kiến trúc như thế nào? Khi xây dựng quy hoạch mất nhiều công sức song việc điều chỉnh không quản lý được", đại biểu Nam bày tỏ quan điểm.

Trả lời các đại biểu, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định: "Các dự án vi phạm đều phải xử lý, có rất nhiều dự án phức tạp song không phải là chúng tôi không dám làm, vi phạm thì phải xử lý không trừ ai. UBND thành phố quyết liệt song có lúc có nơi có địa phương quản lý nhà nước có những cái chưa tốt, chúng tôi đã kiểm điểm, thanh kiểm tra. Có cán bộ vi phạm đã bị xử lý từ khiển trách cảnh cáo tới hình sự".

Ông Khanh cũng cho rằng, có một thời kỳ là hợp nhất thủ đô nên phải tập trung xây dựng quy hoạch. Tháng 7 năm 2011 mới hoàn thành quy hoạch chung thủ đô nên hiện thành phố đang xây dựng quy hoạch phân khu. "Chúng tôi cũng rất sốt ruột song phải có quy hoạch mới xác định được dự án nào được làm hay không", ông Khanh nói.

Phó chủ tịch thành phố cũng khẳng định: "Không có quan điểm là thu hồi đất của người dân thì làm nặng mà với doanh nghiệp thì làm nhẹ. Chúng tôi xin hứa, cơ quan nhà nước nào bao che, bảo kê sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định. Chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm pháp luật, phải xử lý. Ở đâu đó đang tồn tại thì chúng ta sẽ kiểm tra rà soát, có địa chỉ mong các đồng chí cung cấp".

Phó chủ tịch cũng cho biết, với một số dự án Trung tâm Y tế của Sở Công thương sẽ được thu hồi chuyển về Sở Y tế. Những dự án BT phải chờ do đang được rà soát lại, đánh giá chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư đủ năng lực mới được tiếp tục làm.
 

Phó chủ tịch Hà Nội Vũ Hồng Khanh. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Cùng trả lời với Phó chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, trong 38 đồ án quy hoạch chi tiết, năm nay dự kiến thông qua 17 đồ án phía Hà Tây cũ, hiện cơ bản đã hoàn thành, đang làm thủ tục trao đổi với Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt.

Trả lời đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Văn Hải cho rằng, Luật quy hoạch đô thị cho phép sau 3 năm điều chỉnh quy hoạch theo điều kiện kinh tế. Sau khi có quy hoạch chung thủ đô, mạng lưới quy hoạch giao thông trên toàn bộ mạng có điều chỉnh nên nhiều điểm đỗ xe được điều chỉnh. Trước đây, quy hoạch điểm đỗ xe đã có song một số trường hợp do địa phương đề nghị xem xét điều chỉnh bãi đỗ xe, trạm trung chuyển. Tuy nhiên, khi xây dựng dự án khác đều có yêu cầu bù đắp công suất đỗ xe theo quy hoạch để đảm bảo chỗ đỗ xe.

Với dự án 3.000m2 xây dựng nhà đỗ xe cao tầng ở Trung Hòa Nhân Chính, do thành phố xác định đường Lê Văn Lương là trục xuyên tâm, là đường tạo bộ mặt đô thị Hà Nội. Do vậy, nhà đỗ xe nằm trên mặt đường sẽ không đẹp, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã kiến nghị khu đất này xây trung tâm thương mại. Hiện nay các khu nhà tái định cư đã xây dựng trên tuyến này nên đã để mặt đường nhếch nhác.

Kết luận nội dung này, ông Lê Văn Hoạt, Phó chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, lãng phí trong sử dụng đất đai và tài sản công là có thật, vì vậy qua các cuộc tiếp xúc, cử tri rất quan tâm. Ông Hoạt đề nghị, nhiều dự án không phải vướng quy hoạch mà các chủ đầu tư đang ẩn bóng vướng quy hoạch, ví dụ dự án nhà máy xử lý rác ở Thanh Trì chiếm tới 10ha đất song để hoang hóa 10 năm nay... Do vậy, ông đề nghị thành phố chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư để lãng phí đất đai, không nộp thuế cho nhà nước.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME