Sẽ kiểm soát chặt khi cấp phép các "siêu dự án" BĐS
Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 đã về đích đúng kế hoạch với khoảng 11 tỷ USD.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết như vậy khi đánh giá về hoạt động FDI năm 2010 của Việt Nam.
Cụ thể tình hình giải ngân vốn FDI năm 2010 thế nào, thưa ông?
Với số liệu được cập nhật tới ngày 21/12/2010, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, vốn thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD. Như vậy, năm 2010, các dự án FDI năm 2010 đã đạt được mục tiêu giải ngân đề ra.
Về tình hình thu hút vốn FDI, năm 2010 có 969 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 17,23 tỷ USD; 269 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,37 tỷ USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong năm 2010, tổng số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 18,59 tỷ USD, bằng 82,2% so với cùng kỳ 2009. Các số liệu trên cho thấy, sự cẩn trọng trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đã thể hiện khá rõ.
Tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký mới vẫn đổ vào lĩnh vực bất động sản, thưa ông?
Với 1 dự án kinh doanh bất động sản có quy mô vốn 4 tỷ USD được cấp vào tháng 12, lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ vị trí thấp hơn trong các tháng trước đã trở thành lĩnh vực có vốn đầu tư đăng ký cao nhất, với 6,84 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong cả năm 2010, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Cho tới tháng 11/2010, lĩnh vực này đứng ở trí số 1 trong danh mục thu hút vốn FDI. Theo số liệu cả năm 2010, lĩnh vực này dẫn đầu về số lượt dự án đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư, với 385 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư đạt trên 4 tỷ USD và 199 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm trong lĩnh vực này là 5,1 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Rõ ràng, dòng vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo duy trì ở mức cao, đều đặn. Theo dự báo của chúng tôi, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011.
Như vậy, bức tranh FDI năm 2011 của Việt Nam có thể được hình dung như thế nào, thưa ông?
Năm 2011, hoạt động thu hút FDI sẽ được thực hiện theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Loại dự án tiềm ẩn ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; dự án ô nhiễm môi trường; những dự án có quy mô vốn thấp nhưng sử dụng diện tích đất lớn, các siêu dự án trong lĩnh vực bất động sản; những dự án khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên, có công nghệ lạc hậu, không có quy trình chế biến sâu và những dự án tốn nhiều năng lượng sẽ được thẩm tra chặt chẽ theo các quy định của pháp luật, thậm chí không cấp GCNĐT.
Đặc biệt, trong năm 2011, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai các dự án đã được cấp GCNĐT. Những dự án chiếm đất lớn, chậm triển khai mà không có lý do chính đáng sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thậm chí rút GCNĐT nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác.
Với kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế thế giới, với quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, khả năng vốn thực hiện năm 2011 sẽ tăng hơn so với năm 2010. Dự kiến, vốn thực hiện năm 2011 khoảng 11-12 tỷ USD, trong đó, vốn của phía nước ngoài khoảng 8-9 tỷ USD.
Về dòng vốn đăng ký mới, chúng tôi dự báo sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD, tăng 11% so với ước thực hiện 2010.
(Theo Đầu Tư)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet