Sao không dùng vật liệu xanh cho các khu resort?
Mặc dù là thị trường đầy tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh trong nước lại không tập trung khai thác các khu resort, vốn mọc lên ngày càng nhiều ở Việt Nam. Đa số doanh nghiệp chỉ xem sự có mặt sản phẩm của mình ở các khu resort chỉ để làm thương hiệu.
Nói về thiết kế resort, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTT Group nhấn mạnh, bản sắc riêng chính là yếu tố quan trọng, góp phần lớn vào sự thành công của loại hình bất động sản này. Tạo ra điểm khác biệt không phải dễ, khi các resort đều hướng đến mục tiêu hòa quyện với thiên nhiên. Trong xu thế chung, vật liệu thân thiện môi trường cũng là một trong những tiêu chí làm nên đẳng cấp của các resort. Tuy nhiên, độ phủ của vật liệu xanh được bao nhiêu cũng còn tùy vào quan điểm của “ông chủ” các resort.
Ông Hoàng Tiến Dũng, người đã bán lại Dự án Resort Xuân Thiều, Đà Nẵng và hiện đang sở hữu khu nghỉ dưỡng trên đảo Hòn Rùa tại Nha Trang cho biết, Hòn Rùa là địa chỉ ông chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho riêng mình, nên từ thiết kế, đến vật liệu đều tối đa hóa việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như gạch, đá, đèn trang trí, sơn bao phủ… Đặc biệt, khi đến Hòn Rùa, rất khó để phát hiện sản phẩm vật liệu xanh giữa những căn nhà Rường của Huế.
Các khu resort là thị trường lớn mà các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh trong nước đang bỏ quên - Ảnh: Đức Thanh |
Không chỉ Hòn Rùa, hiện Việt Nam cũng đang có nhiều khu resort trải rộng từ Bắc chí Nam. Các khu resort đều thể hiện đẳng cấp của mình thông qua các vật liệu được sử dụng, chứ không riêng gì các “sao” gắn trên biển hiệu. Những vật liệu mà các resort thường sử dụng là đá tự nhiên, gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, đèn Led cho chiếu sáng và trang trí, sơn sinh thái tĩnh điện, sơn dầu gốc nước, hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời, tấm cách âm, cách nhiệt… Tuy nhiên, vật liệu xanh thường chỉ được các khu resort cao cấp sử dụng như Furama Đà Nẵng, Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vinpearl Nha Trang, Sun Spa Quảng Bình…
Trên nguyên tắc, từ “tối đa” đến “tối giản” (tối đa sử dụng vật liệu xanh, tối giản các loại vật liệu qua sơ chế), các khu resort hiện đang xây dựng đều hướng đến mục tiêu này. Tuy nhiên, vật liệu xanh tìm chỗ đứng trong các khu resort không phải dễ, bởi đối với resort cao cấp thì một mình chữ “xanh” thôi chưa đủ. Vì vậy, nếu không có chiến lược, bước đi đúng đắn, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh trong nước sẽ rất khó tìm đường vào các khu resort, đặc biệt là các khu resort cao cấp.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, số khách sạn từ 3 - 5 sao chiếm 60% doanh thu của toàn ngành du lịch, nhưng việc sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng đang còn quá khiêm tốn.
Tuy nhiên, ngay những nhà sản xuất vật liệu xanh trong nước cũng không xác định resort là thị trường tiêu thụ chính, mà chỉ xem việc “vào” được các công trình đó để thể hiện chất lượng sản phẩm của mình, chủ yếu là để PR hình ảnh.
Ông Đàm Thanh Tùng, Phó giám đốc CTCP Gạch Vương Hải cho biết, gạch AAC mang thương hiệu V-Block đã được sử dụng ở một số công trình áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh LEED tại TP. HCM như Khách sạn 5 sao Pullman Saigon Center và nhiều công trình khác. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng gạch AAC trong các khu resort vẫn rất thấp và “chủ yếu để quảng bá thương hiệu”.
Trong khi đó, không giống như gạch, các loại đèn Led của các thương hiệu trong nước như Điện Quang hay Rạng Đông lại được sử dụng làm đèn trang trí và cả đèn chiếu sáng của hầu hết các resort trong nước.
Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam thừa nhận: “Vật liệu xanh được các nước tiên tiến trên thế giới dùng từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam thì chỉ mới bắt đầu. Mặc dù thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, song trong tương lai, vật liệu xanh thân thiện môi trường sẽ chiếm ưu thế so với các loại vật liệu truyền thống”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet