S trong một chiều đầy nắng
Tôi bước vào Café S trong một chiều Sài Gòn đầy nắng. Dẫu đã biết trước, xem trước qua những hình ảnh, nhưng S cùng nắng Sài Gòn vẫn đem đến cho tôi những ngạc nhiên và sự quyến rũ lạ kỳ...
Bốn năm về trước, một người bạn Sài Gòn đã dẫn tôi tới một quán càphê “rất hay” – như bạn giới thiệu – ở quận Phú Nhuận; quán có cái tên khá lãng mạn: Miền Đồng Thảo. Đối với tôi, Miền Đồng Thảo đúng là đẹp và rất hay. Đó là một kỷ niệm nho nhỏ của tôi với Sài Gòn. Hơn một năm sau đó, Miền Đồng Thảo nhận giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, dù là một giải khiêm tốn nhưng cũng gây chú ý, bởi đó là một công trình quán xá; và tác giả thiết kế được nhiều người biết đến.
Lấp lánh, lơ lửng những khoảng có mái và không, những khoảng đặc và rỗng. Nắng lấp lánh qua tán lá. Vẫn thấy trời Sài Gòn xanh. |
Đầu năm nay, tác giả của Miền Đồng Thảo lại nhận giải thưởng Kiến trúc Quốc gia, với vị trí cao hơn lần trước một chút; và... cũng với quán càphê; và cũng nằm ở Phú Nhuận – “thủ phủ càphê Sài Gòn”. Công trình có cái tên rất kiệm: “Café S”. Điều đó làm tôi không cưỡng nổi sự tò mò và thán phục để tìm đến S trong chuyến “hành phương nam” lần này, và là sự chủ động chứ không phải nhờ chỉ dẫn.
Tôi có thói quen tìm hiểu hướng công trình trước khi đến, xem có “được nắng” hay không, để chụp ảnh cho đẹp. Công trình hướng đông thì đi buổi sáng, hướng tây thì đi buổi chiều. Khi xem hướng của S trên bản vẽ mặt bằng, thì gần như là chính bắc; thế nhưng bản vẽ cũng cho thấy... hướng đẹp không phải là mặt tiền cùng hướng lối vào; và điều đó làm tôi băn khoăn không biết đến sáng hay chiều, để đón nắng ở sườn bên này hay bên kia; cũng bởi quỹ thời gian hạn hẹp. Và cuối cùng, cũng như một sự ngẫu nhiên, tôi bước vào S trong một buổi chiều Sài Gòn đầy nắng.
Một góc nhỏ giản dị nhưng không kém thú vị. Phần ban công lầu 2 xuyên qua vách kính, như một cây nấm ấn tượng. Một góc nắng ở lầu 2. |
Không tránh khỏi sự so sánh với tác phẩm trước của tác giả thiết kế; S cũng có những nét lãng mạn, sự phóng khoáng và tự do như Miền Đồng Thảo; nhưng chắt lọc hơn, cô đọng và tinh tế hơn (tất nhiên cũng một phần bởi diện tích nhỏ hơn). Bước từ tầng trệt qua cầu thang nho nhỏ lên lầu 1, không gian mở rộng cùng mặt nước và tràn ngập cây xanh, tràn ngập nắng; làm người ta có cảm tưởng... vẫn đang ở tầng trệt. Những lối đi nhỏ uốn lượn quanh hồ nước và trên mặt nước tạo nên sự phân vân thích thú để lựa chọn chỗ ngồi. Kiến trúc chính của quán là một hình thù “hổng giống ai”, nhìn mặt bằng hay mặt đứng đều thấy những đường cong ấn tượng, trông giống như một tác phẩm điêu khắc đương đại hơn là cấu trúc một cái nhà. Đứng trong S rồi mới thấy là sáng hay chiều không quan trọng; vì S đâu có một diện lớn nào để đón nắng. Tất cả là thủng, là trống, là xuyên suốt... Lúc nào và chỗ nào cũng có chỗ cho nắng. Nắng xuyên qua mái, xuyên qua tường, lọt qua những tán cây...; nắng hắt ngược từ mặt nước lên tấm mái kỳ lạ.
S có nhiều không gian ngồi thú vị đủ chiều những khách khó tính và những nhu cầu khác nhau. Trong nhà – ngoài sân; chỗ cao – chỗ thấp, chỗ động – chỗ tĩnh; chỗ đông người – chỗ thanh vắng; chỗ thiên nhiên – chỗ... máy lạnh. Nhưng tất cả có một điểm chung; là ngồi chỗ nào cũng có những điểm nhìn đẹp và thú vị, chỗ nào cũng mở ra với thiên nhiên, với cây xanh, kể cả chỗ ngồi... trong nhà.
Nắng chiều xiên dần, chiếu lên bức tường rào phía đông gần lối vào. Tôi chuẩn bị đứng dậy, và chợt hỏi người nhân viên đứng gần: Tại sao lại là S? Câu trả lời là có hình chữ S. Tôi gắng tìm chữ S như mô tả của người nhân viên, nhưng không sao tìm được; nhưng bù lại tôi tìm thấy vô số những đường cong chữ S ở khắp mọi nơi.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet