Năm 2015, anh Minh mua một mảnh đất 65m2 của chú ruột. Mảnh đất này nằm trong một miếng đất rộng 130m2 của người chú. Vì cần tiền nên chú chia đôi mảnh đất, giữ lại mảnh đất sát mặt đường còn bán lại phần đất bên trong cho anh Minh. Việc mua bán được thực hiện bằng giấy tờ viết tay dưới sự chứng kiến của người thứ ba. Sau khi mua đất, năm 2016 gia đình anh Minh xây nhà và ở từ đó đến nay. Vì nhà anh Minh nằm ở phía trong nên muốn vào nhà, anh phải đi qua mảnh đất người chú.

Tuy nhiên, sau này chú anh Minh bán lại mảnh đất bên ngoài cho người khác xây nhà. Vì muốn riêng tư và cũng không còn lối đi nào khác nên anh Minh đề nghị chủ mảnh đất phía bên ngoài dành một phần đất để nhà anh mở đường đi. Tuy nhiên, chủ mảnh đất đó không đồng ý và đòi anh Minh trả thêm chi phí. Anh Minh bàn chuyện với người chú thì chú anh lại nói là đã bán đất cho anh với giá rẻ rồi nên nếu anh muốn có lối đi riêng thì tự mua thêm đất để làm đường.

tranh chấp lối đi
Anh Minh bức xúc vì chủ mảnh đất phía trước nhà anh đòi thêm chi phí mở lối đi. Ảnh minh họa

Tự mày mò tìm hiểu và hỏi bạn bè thì anh Minh được biết quyền về lối đi qua đã được pháp luật quy định. Theo quy định này, anh hiểu là chủ mảnh đất phía ngoài có nghĩa vụ phải tạo lối đi riêng cho mảnh đất nằm bên trong của anh. Anh Minh đã đề nghị chính quyền địa phương can thiệp và cũng đã nhiều lần nói chuyện với chủ mảnh đất phía ngoài, đề cập đến việc đưa cho họ một số tiền nhỏ nhưng họ nhất quyết không đồng ý. Họ nói làm lối đi mới sẽ phá phong thủy và nói gia đình anh có thể tiếp tục đi chung với lối đi vào nhà họ. Họ cũng nói khi mua mảnh đất này, người chú của anh Minh chỉ nói sẽ chung lối đi với nhà phía trong chứ không đề cập đến việc mở một lối đi khác nên họ mới đồng ý mua.

Vì không muốn tốn thêm thời gian và tiền bạc kiện tụng nên anh Minh tạm thời chấp nhận vẫn đi chung. Nhưng nhiều lần họ cố ý để đầy xe cộ, đồ đạc để chắn lối đi. Không ưa nhau mà cứ phải chung cổng, chung lối đi, anh Minh cảm thấy rất bất tiện và không thoải mái. Anh hối hận đã không thống nhất rõ ràng về lối đi ngay từ khi mua mảnh đất này từ người chú của mình.

Được biết, theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi đất được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cho người phía trong và không có đền bù. Cụ thể, Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Cũng theo quy định, khi tranh chấp về lối đi chung xảy ra, nếu hai bên không thể thỏa thuận thì một trong hai bên có thể đề nghị UBND cấp xã hòa giải tranh chấp. Nếu vẫn không thể đi đến thỏa thuận thì hai bên có thể khởi kiện ra tòa.

Phùng Dung (TH)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME