Sáng 18-4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch, xây dựng Thủ đô Hà Nội đã họp, nghe báo cáo lần I về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan. Tại buổi làm việc, các chuyên gia tư vấn về quy hoạch, kiến trúc của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã báo cáo với Phó Thủ tướng mục đích và mục tiêu của Đồ án Quy hoạch chung, bao gồm: Đánh giá điều kiện hiện trạng; các kịch bản đồ án quy hoạch cho các năm 2020, 2030 và 2050; các ý tưởng phát triển đô thị; tiêu chí, mục tiêu của Thủ đô Hà Nội; kinh nghiệm quy hoạch chung xây dựng các thủ đô và thành phố lớn của các nước. Tạo dựng đô thị đậm nét hiện đại Á Đông
Từ đầu năm đến nay, các chuyên gia tư vấn nước ngoài và Việt Nam đã tiến hành 12 đợt khảo sát hiện trường, tổ chức 6 cuộc hội thảo về các vấn đề mấu chốt của công tác quy hoạch, 27 cuộc gặp gỡ và phỏng vấn chuyên gia các lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc, phân tích điều kiện hiện trạng, lập bản đồ về các điều kiện hiện trạng và chuẩn bị các bản đồ cơ sở. Trong báo cáo, Nhóm tư vấn đã nêu rõ tiềm năng - lợi thế vượt trội của Hà Nội so với các thành phố khác khi lập đồ án quy hoạch, đó là: vị thế Thủ đô của cả nước với nguồn nhân lực và dân trí cao, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, có truyền thống lịch sử lâu đời, có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, phát triển công nghiệp, công nghệ cao, có nhiều sông hồ đẹp có thể tạo một đô thị mang nét đặc thù hiện đại Á Đông... Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn cũng nêu rõ 9 thách thức trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, bao gồm: phải đối diện với một hiện trạng đô thị với nhiều vấn đề phức tạp về quy hoạch, kiến trúc; giải quyết bài toán giao thông nội thị và ngoại thị, vành đai và liên tỉnh; tổ chức, sắp xếp lại hệ thống không gian chức năng công cộng, đô thị hành chính, ở, y tế, giáo dục...; những vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị; năng lực quản lý đô thị; bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa; giữ gìn và khai thác cảnh quan môi trường; giải quyết vấn đề lao động, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và đào tạo hướng nghiệp theo xu thế công nghiệp dịch vụ, kiểm soát dịch cư giữa thành thị và nông thôn; kết nối và xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị và nông thôn, nội thị và ngoại thị. Giải quyết các vấn đề sau quy hoạch
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng như ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất đánh giá về các kết quả khá toàn diện, nhiều mặt của báo cáo Đồ án quy hoạch chung, có so sánh để có các bài học kinh nghiệm đối với các thủ đô, thành phố khác trên thế giới cũng như tương quan với các đô thị khác. Đặc biệt, là việc hình thành ý tưởng đồ án với mục tiêu xuyên suốt là phát triển bền vững, có tầm quốc tế dựa trên 4 yếu tố cấu thành quan trọng là đất đai, con người, di sản và tăng trưởng. Phó Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các đơn vị tư vấn, đặc biệt lưu ý là các vấn đề về điện, nước, giao thông… cũng như cần xem xét, tính toán thêm cả vấn đề quản lý sau quy hoạch. TP Hà Nội và Bộ Xây dựng xây dựng báo cáo về bộ máy, con người để thực hiện nhiệm vụ quản lý sau quy hoạch, triển khai quy hoạch Thủ đô. Đồng thời cần bổ sung, làm rõ hơn mối tương quan giữa quy hoạch phát triển Hà Nội với phát triển toàn vùng, với các quy hoạch giao thông, công trình xây dựng lớn như sân bay, trục giao thông, trung tâm hành chính quốc gia. Dự kiến trong năm 2009, cơ quan tư vấn sẽ hoàn thành báo cáo định hướng phát triển không gian, các ý tưởng chính về sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, nhà ở và giao thông, từ đó có đề xuất kỹ thuật về các quy hoạch đất đai, quy hoạch cơ sở hạ tầng và quy chế và tài chính đô thị cho Thủ đô Hà Nội.
Theo Bao Xay dung |
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet