Ông Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), cơ quan thường trực nghiên cứu đồ án Quy hoạch chung Thủ đô mới cho biết, đây sẽ là đồ án quy hoạch lớn với những ý tưởng mới lạ, độc đáo.

“Bài toán” của đô thị hạng đặc biệt

Theo ông Ngô Trung Hải, trước mắt, ngoài việc sắp xếp bộ máy nhân sự, tổ chức để sớm ổn định việc điều hành một thành phố với tư thế là một trong 17 đô thị lớn trên thế giới (về diện tích và trong tương lai cả về dân số), một trong những việc quan trọng khác để đáp ứng được mục tiêu phát triển Thủ đô về lâu dài là có được một đồ án quy hoạch chung cho Thủ đô trong 20-30 năm và lâu hơn.

Để đạt được tiến độ như mong muốn, cuối năm 2009, đầu năm 2010, đồ án quy hoạch này phải được phê duyệt và chuẩn bị những dự án mang tính chiến lược tạo ra động lực phát triển về lâu dài cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, cần hiểu quy hoạch là cả một quá trình vận động của đô thị đó trong hình thái phát triển kinh tế xã hội. Việc thực hiện triển khai và quản lý đô thị theo đồ án được phê duyệt sẽ vận động liên tục cùng cuộc sống.

Hiện Bộ Xây dựng đang lựa chọn từ 12 tư vấn quốc tế đã đăng ký để lựa chọn 3 tư vấn có đủ năng lực nghiên cứu, có ý tưởng hay và đề xuất tài chính hợp lý để tiếp tục thương thảo hợp đồng. Có thể các tư vấn quốc tế được lựa chọn sẽ báo cáo trước lãnh đạo Chính phủ trước khi Bộ Xây dựng chọn được tư vấn quốc tế phù hợp nhất.

Mục tiêu đầu tiên của đồ án quy hoạch là xây dựng Hà Nội thành tổng thể đa trung tâm, gồm đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh. Đối với khu vực đô thị hạt nhân, Hà Nội hiện hữu - tạm gọi là đô thị truyền thống chủ yếu sẽ duy trì không gian bảo tồn có tính lịch sử - văn hóa và là trung tâm chính trị. Đặc biệt khu trung tâm cũ phải là trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế. Các khu dân cư hiện nay dứt khoát sẽ phải tính đến xây dựng các mô hình khu ở khác nhau nhằm dãn tải ra bằng các cơ chế chính sách, chương trình nhà ở xã hội để người dân có thể chuyển dần ra vùng xung quanh với điều kiện sống tốt hơn.

Ông Hải cho biết, một trong những ý tưởng mà chúng tôi đưa ra để thực hiện điều này là các khu đô thị vệ tinh không chỉ là khu ở mà còn kèm theo hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt như các trung tâm dịch vụ đô thị, trường học, bệnh viện, cơ sở công nghiệp phù hợp... để người dân sống và dễ dàng tìm kiếm việc làm tại đó luôn tránh tình trạng đô thị vệ tinh trở thành đô thị “ngủ”, người dân chỉ về đó sau giờ làm việc, hàng ngày vẫn phải trở về đô thị cũ để làm việc.

Những điều chỉnh cần thiết

Ông Hải cho biết, phía đông, nam, bắc Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp, hướng ra biển và sân bay. Còn phía tây hình thành không gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và những đô thị mang tính khoa học, đào tạo. Đô thị vệ tinh mang tính chất khoa học - công nghệ sẽ nằm bên Hòa Lạc cùng với không gian hành chính mới dự kiến cho tương lai lâu dài, còn khu giáo dục - đào tạo sẽ nằm tại đô thị Xuân Mai, kết nối với trục đường 6 hiện đang có một số trường đại học lớn.

Xu hướng là các trường này sẽ được xây dựng tập trung, sử dụng chung giảng đường, thư viên, ký túc xá... không phân biệt sinh viên học trường nào. Khả năng sẽ hình thành nhiều đô thị vệ tinh có chức năng riêng biệt để đáp ứng một tổng thể đa trung tâm. Chẳng hạn, Sơn Tây là thành phố cổ gắn với Đường Lâm; Hòa Lạc là thành phố khoa học kết hợp du lịch ở Ba Vì; Xuân Mai là đô thị đại học...

Đồ án có thành công hay không, theo tôi là việc các đô thị chức năng được gắn kết với nhau như thế nào - Ông Hải đánh giá. Chắc chắn việc di chuyển sẽ phải thực hiện bằng hệ thống giao thông nhanh. Nếu không phát triển được hệ thống này Hà Nội vẫn bị ách tắc, dồn nén ở trong trung tâm và dân cư không muốn đi ra ngoài. Hiện nay, khoảng cách được tính trung bình giữa các đô thị là 35 km. Nếu ở Nhật Bản họ đi mất 1 giờ, thì ở Hà Nội thời gian di chuyển phải là 30 phút đến 45 phút bởi mật đô dân cư của ta ít hơn và ta không phải là siêu đô thị như họ.

Giữa quy hoạch cũ và quy hoạch mới sẽ có sự lồng ghép. Khu vục lõi vẫn được tôn trọng, các ý tưởng tốt vẫn được giữ như trung tâm văn hóa - thương mại - tài chính Tây Hồ Tây phải được phát triển nhanh, khu đô thị mới Bắc Thăng Long phải được xây dựng ngay... Tuy nhiên, quy hoạch mới sẽ xem xét, rà soát lại các cụm công nghiệp không phù hợp và chuyển xuống phía Nam. Hay như khu đại học Tây Nam, Chính phủ đã yêu cầu dừng lại vì nếu vẫn nằm ở gần khu Mỹ Đình sẽ gây ách tắc, chất tải lên hạ tầng...

Theo Kinh Tế Đô Thị

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME