Quy định xử phạt vi phạm xây dựng: Thoáng nhưng thiếu phù hợp
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản... có hiệu lực từ ngày 30/11/2013. Điểm chính được quan tâm của nghị định này cho phép đóng tiền phạt để tồn tại những công trình xây dựng không phép, sai phép. Tuy nhiên, quy định “thoáng” này lại thiếu phù hợp.
Quy định tại khoản 9 điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP cho thấy, những công trình không có giấy phép xây dựng (viết tắt GPXD), công trình sai thiết kế được phê duyệt, hoặc sai quy hoạch xây dựng, hoặc sai thiết kế đô thị đã được cấp có quyền phê duyệt đối với công trình xây dựng được miễn GPXD thì vẫn sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp GPXD hoặc điều chỉnh GPXD sau khi chủ công trình nộp phạt vi phạm hành chính và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% - 50%; với điều kiện những công trình này không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp. Quy định này khó thực hiện, vì không có căn cứ, cơ sở xác định thế nào là “số lợi bất hợp pháp”.
Nếu theo đơn giá do Bộ Xây dựng xác định thì quá cao so với giá thị trường, nhưng nếu tính theo giá thị trường thì cơ quan nào sẽ định giá? Chưa kể việc cấp GPXD phải căn cứ vào quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị. Công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị được duyệt mà bắt cơ quan có thẩm quyền phải cấp GPXD, điều chỉnh GPXD theo hiện trạng vi phạm thì vừa không hợp lý vừa không hợp pháp.
Một vấn đề khác cần đặt ra, đó là những công trình vi phạm nhưng không có lợi cho chủ đầu tư mà có lợi cho người sử dụng, cho xã hội thì cần có sự giải quyết thỏa đáng. Chẳng hạn chủ dự án xây dựng sai thiết kế, tăng diện tích sàn xây dựng nhưng nhằm mục đích phục vụ cho công tác PCCC được đảm bảo, để các hộ dân sinh sống được hưởng không gian thông thoáng hơn... so với thiết kế được duyệt ban đầu khi chào bán căn hộ. Trong trường hợp này, chủ đầu tư bị bất lợi chứ không có lợi vì phải tốn thêm chi phí trong khi không thể tăng giá căn hộ đã bán nên nếu quy định chủ đầu tư nộp 40% - 50% số lợi bất hợp pháp sẽ không phù hợp.
Quy định “thoáng” như trên có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, thiết kế đô thị và có khả năng dẫn đến nguy cơ xây dựng không phép, sai phép tràn lan do chủ đầu tư biết rằng dù có vi phạm vẫn sẽ được hợp pháp hóa sau khi đóng phạt. Do vậy, chỉ nên chấp nhận cho nộp phạt, tồn tại công trình khi công trình phù hợp quy hoạch và thiết kế đô thị; đồng thời cũng không “bắt bí” những công trình tuy vi phạm nhưng có lợi cho xã hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet