Quỹ cho vay vốn xây dựng nhà trọ công nhân: Vì sao "ế"?
Khoảng giữa năm 2011, chương trình cho vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà trọ công nhân (CN) được thành lập với lãi suất cho vay ưu đãi (16,2%/năm). Nhưng đến nay, chương trình chủ yếu chỉ dừng lại ở khâu… tư vấn, tìm hiểu.
Nhà lưu trú cho công nhân chưa đáp ứng nhu cầu, người lao động phải thuê nhà trọ bên ngoài. |
Nhà cấp thấp, chuẩn cấp cao
Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX - KCN) Tp.HCM, hiện toàn TP có khoảng 275.000 lao động đang làm việc tại các KCX - KCN. Trong đó, khoảng 65% công nhân (CN) nhập cư, nhưng nhà lưu trú cho CN mới đáp ứng khoảng 12.000 chỗ. Số còn lại phải thuê nhà trọ bên ngoài chật chội, nhếch nhác… Trong khi đó, khi nhắc đến việc vay vốn ưu đãi chương trình xây dựng, sửa chữa nhà trọ CN, các chủ nhà trọ đều lắc đầu ngao ngán.Chị Lã Phương Di (đường Liên khu 4-5, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) có một thửa đất rộng 200m2. Đầu năm 2012, chị đến Quỹ Phát triển nhà ở TP xin vay vốn ưu đãi chương trình xây dựng, sửa chữa nhà trọ CN. Theo hướng dẫn của cán bộ cho vay, chị góp đủ 30% vốn tự có theo quy định, lên phương án dự toán kinh phí xây dựng, phương án kinh doanh cho thuê… Tuy nhiên, qua xem xét hồ sơ thiết kế cho thấy, khu nhà trọ của chị Di có quy mô lên đến 10 phòng trọ nên theo quy định, chị phải làm một “công viên” mini hoặc dành một khoảng trống tối thiểu 1,5m2/người để làm khoảng sinh hoạt chung, diện tích phòng tối thiểu 3m2/người (không tính nhà vệ sinh và phần sinh hoạt chung)… “Nhà trọ xây như vậy chẳng khác nào... khách sạn.
Chi phí và giá thuê sẽ đội lên cao làm sao CN thuê nổi?” - chị Di than. Trong lúc đang phân vân, chị còn phát hiện thêm một điều kiện nữa để được vay vốn: khu nhà trọ phải cách xa nơi phát sinh tiếng ồn ít nhất 100m. Trong khi đó, gần nhà chị có hai, ba tiệm hàn, cắt sắt hoạt động suốt ngày. Cuối cùng, chị Di quyết định tự vay mượn bên ngoài xây nhà trọ cho thuê với giá bình dân.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Danh (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức) cho biết, trước đây, nhà anh ở khá rộng, để kiếm thêm thu nhập, anh ngăn ra bốn phòng trọ cho thuê. Gần đây, các phòng trọ đã xuống cấp nghiêm trọng, anh định tháo dỡ và xin vay vốn ưu đãi để sửa chữa. Anh mang giấy phép xây dựng nhà ở và một số giấy tờ liên quan đến Quỹ Phát triển nhà ở TP xin vay tiền thì được biết phải có giấy phép xây dựng nhà trọ cho CN, còn giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thì không được vay. Nhưng theo anh Danh, nếu như vậy, anh phải điều chỉnh cả căn nhà anh đang ở thành nhà trọ và phải trải qua các bước kiểm tra phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Cuối cùng, anh quyết định để nguyên hiện trạng, tiếp tục cho thuê.
Nhiều khu nhà trọ nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo Quỹ Phát triển nhà ở TP, từ khi triển khai quỹ đến nay có 58 hộ gia đình ở Q.7, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức và huyện Hóc Môn đến quỹ tìm hiểu, nhận hồ sơ vay vốn, nhưng chỉ có bốn hộ quay lại nộp hồ sơ xin vay. Qua thẩm định chỉ có hai hộ đủ điều kiện để vay, nhưng đến nay, hai hộ này cũng không xúc tiến ký kết hợp đồng vay do nhu cầu của họ cao hơn nhiều so với hạn mức quỹ có thể cho vay.
Hạ lãi suất thôi, chưa đủ
Trước việc quỹ “ế” người vay, đầu tháng 9/2012, UBND Tp.HCM đã ban hành Quyết định số 14/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011 về việc cho vay vốn theo hướng giảm lãi suất. Theo đó, mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng trả lãi sau (mức tối đa) của bốn ngân hàng thương mại trên địa bàn TP, cộng phí quản lý 1,5%/năm, tương ứng mức lãi suất cho vay chỉ còn khoảng 10,5%/năm.Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Định - Phó BQL các KCX - KCN TP, dù có điều chỉnh lãi suất thấp hơn thì các chủ trọ vẫn khó lòng tiếp cận với nguồn vốn, hoặc họ cũng không mặn mà vì các điều kiện vay vẫn còn “ngặt nghèo”. Hơn nữa, nếu phải đảm bảo đủ các “chuẩn” này thì chi phí sẽ đội lên rất cao, chủ nhà trọ buộc phải tăng tiền cho thuê và như vậy CN khó có thể thuê. Mặt khác, các hộ dân nếu được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà trọ thì sẽ cam kết không tăng giá phòng trọ, trong khi hàng tháng họ vẫn phải trả lãi vay là chưa hợp lý…
Chủ trọ không mặn mà với nguồn vốn hỗ trợ xây, sửa nhà trọ, người lao động đành chấp nhận sống trong những phòng trọ chật chội, nhếch nhác. |
Theo Quỹ Phát triển nhà ở TP, vướng mắc hiện nay còn liên quan đến các vấn đề quy hoạch, chuẩn thiết kế… Cụ thể, rất nhiều nhà trọ hiện nay nằm trong các khu vực quy hoạch “treo”. Khi bị lọt vào khu vực “treo” thì sẽ không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến không đủ điều kiện để vay. Trong khi đó, để được vay vốn, bắt buộc chủ nhà trọ phải thiết kế xây dựng không quá 70% tổng diện tích khu đất; trường hợp xây hai dãy nhà trọ riêng biệt, phải có lối đi chung tối thiểu rộng 3,5m… Để giải quyết các vướng mắc, vừa qua, quỹ đã gửi văn bản đến UBND TP, đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu cơ chế cấp phép riêng cho các hộ gia đình có nhu cầu vay tiền của quỹ để xây dựng nhà trọ cho CN thuê. Đồng thời nghiên cứu điều chỉnh giảm các tiêu chí về điều kiện kỹ thuật khi xây dựng nhà trọ cho CN.
Theo dự báo của BQL các KCX - KCN TP, đến năm 2015, số lượng CN trong các KCX - KCN sẽ tăng gần gấp đôi hiện nay, trong đó có khoảng 200.000 CN có nhu cầu thuê nhà ở. Vì vậy, việc sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc của chương trình để đẩy mạnh xây dựng và nâng cấp nhà trọ cho CN rất cần các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện.
(Theo Phụ nữ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet