Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, bản báo cáo chưa thể hiện rõ cơ quan được giám sát cũng như trách nhiệm phối hợp, giải trình của cơ quan này. Các cơ quan hành chính đã công nhận khiếu nại đúng và đúng một phần chiếm 47,8% tổng số khiếu nại tố cáo. Tòa án hai cấp xử thì có thêm 19,5% đúng nữa; nghĩa là người dân khiếu nại đúng tới 67,5%, đồng nghĩa với việc các quyết định hành chính về đất đai sai tương đương mức đó. Ít có lĩnh vực hành chính nào sai nhiều đến thế.
Quốc hội sẽ giám sát giải quyết khiếu nại về đất đai | ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân các quyết định hành chính về đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội là Chính phủ. Lưu ý rằng đây không phải là cuộc giám sát khiếu nại tố cáo nói chung, ông Phan Trung Lý cho rằng, Báo cáo cần lược bớt đi những phần chung, xoáy sâu phân tích những bất cập trong lĩnh vực việc ban hành những quyết định hành chính về đất đai. Thẳng thắn mà nói là công tác giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này chưa tốt, bởi có đến gần 70% quyết định bị khiếu nại là “có vấn đề”.

Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý phân tích thêm, vẫn có trường hợp quyết định hành chính được ban hành đúng với các quy định của pháp luật hiện hành, nhưng khiếu nại của người dân vẫn có cơ sở. Đó là trường hợp khung chính sách còn tồn tại những bất hợp lý. Mặc dù khối lượng tài liệu được cung cấp qua hoạt động giám sát là rất lớn, nhưng lại quá chung chung, không phân định được những trường hợp cụ thể này và “không có tên đất, tên người nào cả”!

Ông Phan Trung Lý cũng đề nghị, trong các loại quyết định hành chính, cần đặc biệt chú ý đến hình thức “Thông báo” - vốn không thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật, nhưng lại được sử dụng khá phổ biến với nội dung có chứa quy phạm pháp luật.

Quốc hội sẽ giám sát giải quyết khiếu nại về đất đai | ảnh 2
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu trong trong phiên họp sáng nay.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặc biệt lo lắng về xu hướng gia tăng các vụ việc khiếu nại tố cáo đông người: Nếu không giải tỏa áp lực này, tôi e rằng khi Luật Đất đai sửa đổi tới đây có hiệu lực, sự chuyển giao cũ - mới sẽ còn phức tạp hơn nữa.

Trong khi đó, từ thực tế tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận định: Công tác thanh tra xử lý sai phạm trong lĩnh vực này còn rất hạn chế. Không ít quyết định ban hành sai là do tiêu cực, tham nhũng, trên bao che cho dưới… Tôi biết có vụ việc ở Phú Thọ, qua 2 đời Tổng Thanh tra Chính phủ không giải quyết được, đến giờ này cũng chưa ổn. Ông Nguyễn Kim Khoa bức xúc: Có trường hợp chỉ trong 1-2 ngày mà cùng một ông Chủ tịch tỉnh ký ban hành hai quyết định về cùng một vụ việc với ý kiến trái ngược nhau. Ngoài chuyện thiếu trách nhiệm, còn có nguyên nhân quan tọng là sự vô cảm, thờ ơ. Trong khi chỉ một tuần nữa là lúa chín, người dân có thể thu hoạch mà cứ cho xe ủi đổ đất san lấp mặt bằng thì rất khó chấp nhận. Tại sao có vụ cướp tiệm vàng còn điều tra ra ngay được, mà cưỡng chế phá nhà dân trái phép thì hàng tuần lễ liền không xác định được trách nhiệm ở đâu?

Có cùng nhận định là các kiến nghị nêu trong Báo cáo đều rất đúng, nhưng không có trọng tâm, trọng điểm, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh một yêu cầu quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và lĩnh vực này nói riêng: tổ chức đối thoại giữa người khiếu nại với người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Ông Uông Chu Lưu đề nghị, Báo cáo giám sát cần tập trung phân tích những dạng sai phạm của các quyết định hành chính, cũng như chỉ ra những khoảng trống và điểm bất hợp lý trong chính sách, từ đó nêu ra giải pháp.  

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương lại đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bà Nương nêu vấn đề: Thực tế, do bận rất nhiều việc nên người đứng đầu UBND thường ủy quyền cho các cấp giải quyết, còn tự mình chỉ ký quyết định. Như thế thì rất khó sửa sai, một khi người đứng đầu đã ký quyết định giải quyết ban đầu rồi thì làm lại là rất khó khăn. Cho nên phải xác định lại, chặt chẽ hơn về thẩm quyền giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu chỉ đạo hoàn thiện Báo giám sát, nhắc nhở: Góc nhìn của đoàn giám sát ở đây là từ ý kiến, khiếu nại của dân mà giám sát xem cơ quan nhà nước làm sai hay đúng; từ đó chấn chỉnh hoạt động của cơ quan nhà nước, đồng thời kết hợp với sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai. Dự thảo nghị quyết hiện nay là chưa tốt, chưa sát, cần tiếp tục hoàn thiện. Cần nhớ rằng quyết định hành chính của nhà nước dù chỉ sai một phần cũng phải coi là sai. Ngay cả khi quyết định hành chính là đúng hoàn toàn mà dân vẫn khiếu nại thì phải xem xét lại vấn đề chính sách.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Từ năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư với 495.017 vụ việc.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và số đơn tố cáo sai chiếm 54,2%. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Trong quản lý đất đai, nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính chủ yếu tập trung: (1) Khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 70%; (2) Khiếu nại các quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm 20%; (3) Khiếu nại các quyết định hành chính về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm 10%.

 (Nguồn: Trích dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai)

 (Theo SGGP)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME