Theo đó, Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng cần tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu.

Ở báo cáo tiếp thu giải trình trước khi các đại biểu nhấn nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của nhiệm vụ “giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản” và cho rằng Bộ Xây dựng khó có thể một mình giải quyết được tình trạng này.
 


Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và là một trong những nhiệm vụ cấp bách của năm 2013. Để giải quyết tình trạng này cần những giải pháp tổng thể và có trách nhiệm của Chính phủ trong việc phối hợp các cấp, các ngành cùng tham gia. Tuy vậy, trách nhiệm lớn thuộc về Bộ Xây dựng với việc cơ cấu lại các dự án bất động sản phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là việc khuyến khích xây dựng quỹ nhà ở xã hội.  

Bên cạnh “phá băng”, yêu cầu đặt ra tại nghị quyết là Bộ Xây dựng phải có kế hoạch giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động có thu nhập thấp; bảo đảm từ nay đến cuối năm 2013 tạo được sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.

Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, rút ruột công trình trong xây dựng công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật quản lý đô thị, có kế hoạch rà soát tổng thể công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trong cả nước để có những điều chỉnh cần thiết.

Từ nay đến hết năm 2013, hoàn thành việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật, các loại đơn giá đầu tư, đơn giá xây dựng để làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư và thanh quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của ngành xây dựng Việt Nam, nghị quyết nêu rõ.

Giao, cho thuê đất dự án chủ yếu sẽ phải qua đấu giá


Sáng 23/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Theo đó, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Quốc hội nhìn nhận vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém như: chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai chưa đồng bộ, rõ ràng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp, khiếu nại đông người có xu hướng tăng lên.

Để khắc phục những hạn chế trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung như: sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn.

Quốc hội cũng yêu cầu quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước, quyền của người sử dụng đất, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt.

Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Cùng với đó, Nhà nước phải quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Sửa đổi, bổ sung quy định về giá đất theo hướng giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Các cơ quan nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất; có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật. Quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.

Về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý các vụ khiếu kiện, Quốc hội yêu cầu trước năm 2015 phải cơ bản hoàn thành. Từ nay đến cuối năm 2012, tập trung rà soát, có phương án giải quyết cơ bản 528 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME