Khu dân cư số 15 (thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành) nằm bên đường sắt. Mùa mưa lũ nước từ sông Trà Khúc dâng cao, tràn vô sông Xóm Xiết rồi đổ xuống khu dân cư nên khu vực này trở thành túi nước.

“Năm nào mùa mưa lũ cũng ngập ba, bốn đợt, có năm nước ngập đến nóc nhà” - ông Võ Văn Ngọ, dân xóm 12, kể. Sống ở vùng “túi nước” riết thành quen, khi mưa kéo dài là bà con lo chuyển đồ đạc, trâu bò lên vùng cao để gửi. Nhưng có khi nước dâng nhanh quá, chỉ kịp chạy lên đường sắt để tránh.

Dự án trên giấy

Ông Võ Văn Đính, một người dân trong xóm, nói: “Nghe nói Nhà nước đã phê duyệt dự án xây dựng khu tái định cư cho dân vùng ngập lũ trên Gò Cách, tui nghĩ thế nào mình cũng được cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà trên đó khỏi lo lũ. Nhưng chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy đâu...”.

Không riêng gì 30 hộ dân vùng Gò Cách, mà khu tái định cư Nhơn Lộc 1 (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), khu tái định cư Giếng Tiền (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), khu tái định cư Gò Bà Tòng (xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh)... với tổng số 270 hộ dân nằm trong danh sách bị sạt lở núi, bờ sông, bờ biển dù đã được phê duyệt hồi đầu năm 2011 nhưng đến giờ vẫn còn nằm trên giấy. Riêng 200 hộ dân ở các xã khu đông huyện Bình Sơn bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 9 năm 2010, tuy đã lập phương án tái định cư nhưng đến nay dự án vẫn chưa được duyệt.

Trong khi đó, khu tái định cư xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành) được thi công xong vào cuối tháng 9/2010 với diện tích gần 20.000m2 bao gồm các hạng mục: Đường giao thông nội vùng, trường mẫu giáo, mương thoát nước... nhưng đến nay vẫn chưa hộ dân vùng sạt lở bờ sông nào được cấp đất để định cư tại đây.

Bao giờ cấp đất cho dân?

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Đỗ Kỳ Ân cho biết năm khu tái định cư (gồm Gò Cách, Giếng Tiền, Gò Bà Tòng, Nhơn Lộc 1 và thôn Gỗ) đã được tỉnh phê duyệt nhưng do chưa cấp vốn nên chi cục đành bó tay, không triển khai xây dựng được nên chẳng biết bao giờ mới cấp đất cho dân. Những năm trước đây nguồn vốn này đều do trung ương cấp theo quyết định 193 của Chính phủ về việc di dân, sắp xếp lại dân cư vùng nông thôn nên cuối tháng 12/2010, khi tỉnh Quảng Ngãi phân vốn đầu tư xây dựng các công trình năm 2011 đã không bố trí kinh phí cho các dự án này (mà chờ trung ương cấp vốn mới bố trí).

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, trung ương ra quy định mới: Với những tỉnh có nguồn thu từ 1.000 tỉ đồng trở lên thì tỉnh phải tự cân đối nguồn vốn cho các dự án di dân tái định cư và Quảng Ngãi là một trong số địa phương có nguồn thu trên 1.000 tỉ đồng nên các dự án đành rơi vào trạng thái... nằm chờ.

Còn khu tái định cư xã Hành Dũng theo thỏa thuận giữa chi cục và địa phương là vận động 33 hộ dân có đất nằm trong khu quy hoạch xây dựng khu tái định cư đồng ý cho chủ đầu tư triển khai thi công trước, riêng việc đền bù hoa màu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng sẽ chi trả sau. Thế nhưng, khi trình lên cấp trên phê duyệt thì khoản tiền 370 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã bị cắt nên người dân cho rằng chi cục “bội tín” và không đồng ý giao đất. Đến tháng 6/2011 khi tỉnh Quảng Ngãi đồng ý chi trả số tiền 370 triệu đồng cho 33 hộ dân nói trên thì nguồn ngân sách năm 2011 không còn nữa. Vậy nên dự án lại tiếp tục “đứng bánh”.

Chủ tịch UBND xã Hành Dũng Trần Văn Minh cho biết thấy dân chờ quá lâu, xã đã kiến nghị với huyện nhanh chóng hoàn thành việc đền bù và hỗ trợ 33 hộ dân trong diện thu hồi đất làm khu tái định cư để lấy đất cấp cho dân vùng sạt lở làm nhà, nhưng mọi sự vẫn cứ giẫm chân tại chỗ.

Quảng Nam: Dự án di dời dân cũng “giẫm chân tại chỗ”

Dù mùa mưa bão đã cận kề nhưng nhiều hộ dân dưới chân núi Đầu Voi (xã Tiên An, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) trong diện di dời khẩn cấp vẫn còn chần chừ chưa chịu rời bỏ nơi ở cũ luôn tiềm ẩn mối nguy hiểm có thể bị “núi đè” bất cứ lúc nào. Theo phương án phê duyệt năm 2008, toàn xã Tiên An có 180 hộ dân vùng sạt lở cần được di dời, trong đó có 60 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp. Nhưng đến nay chỉ mới di dời được 17 hộ, 43 hộ còn lại chưa chịu dời đến nơi ở mới. Lý do: 17 hộ đã di dời thuộc danh sách hộ nghèo nên ngoài khoản tiền hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, họ còn được nhận khoản kinh phí xóa nhà tạm theo quyết định 167 của Chính phủ.

Riêng 43 hộ còn lại không thuộc diện hộ nghèo chỉ nhận được 10 triệu đồng nên không biết xoay xở thế nào. “Nếu di dời đi với số tiền Nhà nước hỗ trợ đó chắc chắn sẽ không đủ làm lại nhà để ở” - ông Lê Trường Duy, một người dân địa phương, cho biết.

Ông Lê Trí Hiệu, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết huyện thống nhất xin cơ chế hỗ trợ thêm của tỉnh và sẽ tiến hành vận động một số nguồn lực khác để cùng góp công, góp sức nhanh chóng di dời dân trước mùa mưa bão.

(Theo TTO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME