Quản lý quy hoạch ở Tp.HCM... chỏi nhau
Cuộc họp về quản lý quy hoạch đô thị tổ chức tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Tp.HCM ,ngày 14/3, đã chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch đô thị tại Tp.HCM do không thống nhất về cách hiểu các văn bản quy phạm pháp luật.
Quận quyết sao, dân chịu vậy!
Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM, cho biết thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND, đến nay, TP đã phủ kín quy hoạch chi tiết phân khu với 297 đồ án được phê duyệt. Năm 2014, Tp.HCM sẽ tập trung quản lý sau quy hoạch và lập các quy chế quản lý kiến trúc đối với một số đồ án quy hoạch quan trọng, còn lại thì thống nhất quản lý theo quy chế chung.
Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc hiện nay là mỗi địa phương hiểu các khái niệm: đất phù hợp quy hoạch, tính chất - chức năng sử dụng đất… theo mỗi kiểu khác nhau, dẫn đến cách xử lý thủ tục của người dân cũng khác nhau.
Đại diện Phòng Quản lý Đô thị huyện Cần Giờ cho biết nếu cấp phép xây dựng chính thức trong khu vực quy hoạch 1/2.000 thì khi thực hiện dự án sẽ rất khó giải phóng mặt bằng. Vì thế, với trường hợp không phù hợp quy hoạch, Cần Giờ vẫn cấp phép xây dựng tạm. Huyện Hóc Môn cũng xử lý tương tự.
Nhiều ý kiến đề xuất nên cấp phép xây dựng chính thức nhưng khống chế chỉ tiêu xây dựng đối với trường hợp không phù hợp quy hoạch 1/2.000, chưa có quyết định thu hồi đất |
Trong khi đó, quận 9 lại cấp phép xây dựng chính thức trong trường hợp không phù hợp quy hoạch nhưng vẫn cùng mục đích sử dụng, như cùng là đất ở (chẳng hạn khu vực quy hoạch là chung cư). Quận Thủ Đức cũng cấp phép xây dựng chính thức nhưng kèm điều kiện phải đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất. Tuy nhiên, quận Thủ Đức cũng có chung nỗi lo như huyện Cần Giờ: cấp phép xây dựng chính thức sẽ ảnh hưởng đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng - Sở Xây dựng Tp.HCM, cho rằng cấp phép xây dựng chính thức trong khu vực quy hoạch 1/2.000 chưa có quyết định thu hồi đất là phù hợp với Nghị định 64. Tuy nhiên, trường hợp đất không phù hợp quy hoạch (công viên cây xanh, công trình công cộng…) thì phải xử lý thế nào? Theo Sở Xây dựng, nên cấp phép xây dựng chính thức nhưng khống chế về một số chỉ tiêu theo khung quy chế do TP xây dựng tạm thời.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM, đồng ý với đề xuất này. Theo ông, nếu cấp phép xây dựng tạm thì khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án, người dân sẽ không được đền bù, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Ngoài ra, việc xác định cấp phép xây dựng tạm hay chính thức cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc người dân có được cấp chủ quyền nhà đất hay không.
Hiện nay, nhiều địa phương vẫn không cấp phép xây dựng trên các trục đường lớn, với lý do là chờ quy chế quản lý QH-KT. Song, ông Toàn khẳng định địa phương phải cấp phép xây dựng ngay theo đúng quy định, không cần chờ quy chế quản lý.
Sẽ kiểm tra tại 9 quận - huyện
Theo đại diện Phòng Quản lý Đô thị huyện Nhà Bè, đất quy hoạch khu dân cư (KDC) hiện hữu thì khoanh lại, KDC mới phải lập dự án. Vì thế, việc cấp phép xây dựng không được xem xét trong các KDC mới. Do các KDC mới nằm gần các khu hiện hữu đã hoàn chỉnh về hạ tầng nên giá đất khá cao, khó thu hút chủ đầu tư, trong khi người dân có xu hướng xây dựng trái phép. Vì thế, huyện Nhà Bè đề xuất thay vì chờ tìm kiếm chủ đầu tư, Tp.HCM nên xem xét cho người dân trong các KDC mới tự xây dựng với điều kiện phải tuân thủ quy chế chung nào đó.
Về đề xuất nêu trên, ông Nguyễn Thanh Toàn cho rằng cần có thời gian để các quận - huyện nghiên cứu. Theo ông Toàn, UBND Tp.HCM đang lên kế hoạch tổ chức đoàn kiểm tra công tác thực hiện quản lý sau quy hoạch tại 9 quận - huyện trong tháng 3-2014, do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín làm trưởng đoàn.
Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cũng tổ chức cuộc họp về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khác đối với công trình xây dựng tạm. Đại diện sở này khẳng định sẽ không cấp giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng tạm vì những công trình này chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.
Chậm công bố quy hoạch vì… không có tiền!
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT Tp.HCM, cho biết còn rất nhiều đồ án quy hoạch đã được duyệt nhưng chưa công bố cho người dân biết. Trong đó, nhiều đồ án chậm so với thời gian quy định 3-4 tháng, vi phạm các quy định của pháp luật về công bố quy hoạch.
Hầu hết các quận - huyện đều cho biết nguyên nhân chậm trễ là do không có kinh phí công bố. Huyện Cần Giờ vẫn chưa công bố 24 đồ án quy hoạch phân khu và 1 đồ án quy hoạch chung đến người dân do Sở Tài chính chưa bố trí kinh phí. Mới đây, UBND huyện này đã linh động ghi vốn tạm 190 triệu đồng để tổ chức công bố các đồ án quy hoạch trong tháng 3/2014.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet